Ngày 6/9, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố dự thảo sửa đổi luật cho phép người trưởng thành, chưa kết hôn nhận con nuôi nếu đáp ứng yêu cầu chứng minh khả năng nuôi dưỡng trẻ nhỏ, theo Korea Times.

Theo pháp luật hiện hành, chỉ các cặp vợ chồng kết hôn trên 3 năm mới đủ điều kiện xin con nuôi.

Song gần đây, nhóm chuyên đề xuất chính sách cho các gia đình đơn thân thuộc Bộ Tư pháp kiến nghị mở rộng đối tượng, cho phép người chưa kết hôn nhận nuôi trẻ em.

Điều này trái ngược với quan niệm xã hội ở xứ kim chi, vốn cho rằng người chưa lập gia đình không có khả năng nuôi dạy con cái.

Sau vụ bé gái 16 tháng tuổi bị cha mẹ nuôi bạo hành đến chết, dư luận Hàn Quốc càng thêm quan ngại về thủ tục và quá trình nhận con nuôi. Ảnh: Yonhap.


Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng xem xét trường hợp một đôi vợ chồng có con nuôi có thể trở thành cha mẹ đơn thân nếu ly hôn hoặc nửa kia qua đời.

Theo Korea Times, Bộ Tư pháp Hàn Quốc nhận định quy định nhận nuôi hiện tại có thể củng cố định kiến xã hội với các gia đình "một thành viên".

Dù vậy, các nhà lập pháp lưu ý rằng cá nhân muốn xin con nuôi cần được đánh giá, kiểm tra kỹ lưỡng trong quá trình xét duyệt nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn cho đứa trẻ.

Thông báo từ Bộ Tư pháp lập tức dấy lên làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội xứ kim chi. Một số dân mạng tỏ ra vui mừng trước "bước tiến mới" của chính phủ trong việc công nhận sự đa dạng các hình thức gia đình.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng dự thảo luật trên sẽ khiến tình trạng lạm dụng trẻ em gia tăng.

"Tôi hiểu dự thảo sửa đổi này có điểm tích cực nhưng thay đổi chỉ nên diễn ra sau khi chính phủ thiết lập môi trường an toàn cho trẻ em được nhận nuôi. Các nhà chức trách cần nâng mức phạt cho hành vi ngược đãi trẻ nhỏ và giám sát chặt chẽ cha mẹ nuôi", một dân mạng bình luận dưới bài báo đăng trên Naver.

Một người dùng khác chia sẻ: "Tôi lo rằng việc cho phép một người đàn ông độc thân nhận nuôi một bé gái có thể dẫn đến tội ác lạm dụng tình dục trẻ em kinh khủng".

"Tôi không hiểu vì sao chính phủ lại muốn cho phép người chưa kết hôn nhận con nuôi. Họ chọn sống độc thân vì không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân và con cái cơ mà?", một dân mạng khác nói.

Thực tế, hàng loạt vụ tấn công tình dục trẻ em mới được đưa ra ánh sáng khiến dư luận xứ kim chi ngày càng lo ngại, kêu gọi chính phủ tăng cường biện pháp quản lý trong quá trình nhận con nuôi.

Hồi tháng 6, một người cha dượng 29 tuổi bị bắt vì cáo buộc lạm dụng con gái 20 tháng tuổi, dẫn tới cái chết của cô bé. Trước đó, đầu tháng 1, một người mẹ nuôi bị cáo buộc bỏ bê con gái 16 tháng tuổi, khiến cô bé tử vong.

Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, tỷ lệ hộ gia đình bao gồm cha mẹ và con cái giảm từ 37% năm 2010 xuống còn 29,8% vào năm 2019.

Thay vào đó, các kiểu gia đình mới, chẳng hạn như hộ gia đình một người, đã tăng từ 23,89% lên 30,2% trong cùng khoảng thời gian này.

Theo Zing