Cụ ông và cụ bà được đẩy đi bằng xe lăn dọc theo một con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 11-5 - Ảnh: AFP

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu đặt câu hỏi: Tỉ suất sinh của Trung Quốc có thấp đến mức gây ra khủng hoảng dân số không?

Đây cũng chính là một trong những câu hỏi được các nhà nhân khẩu học Trung Quốc tranh luận sôi nổi từ hôm 11-5, thời điểm Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tổng điều tra dân số nước này (khoảng 10 năm một lần) dài 30 trang.

Dân số tăng, trẻ con giảm

Dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,41 tỉ trong năm 2020, nhưng số trẻ sinh ra trong năm này lại giảm còn 12 triệu, thấp hơn so với 14,65 triệu trẻ của năm 2019. Năm 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp số trẻ sinh thêm ở Trung Quốc giảm.

Tổng tỉ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh con của Trung Quốc năm 2020 giảm còn 1,3 con/người, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con/người - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đều nhất trí rằng dân số Trung Quốc hiện đang tiến đến một bước ngoặt quan trọng khi dân số già đi nhanh chóng và tỉ suất sinh giảm.

Theo họ, Trung Quốc cần khẩn trương loại bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình, phác thảo kế hoạch hưu trí và các chính sách xã hội mới để giảm chi phí nuôi con.

Ông Lương Kiến Chương, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng tỉ suất sinh của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

"Theo dữ liệu hiện tại, trong 10 năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh con từ 22 - 35 tuổi sẽ giảm hơn 30% so với hiện nay. Nếu không có sự can thiệp mạnh từ chính sách, số trẻ sinh ra của Trung Quốc có thể dưới 10 triệu trong vài năm tới. Khi đó, tỉ suất sinh của Trung Quốc sẽ thấp hơn Nhật Bản và có lẽ thấp nhất thế giới" - ông Lương dự báo.

Một số nhà nhân khẩu học Trung Quốc còn cho rằng Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về dân số. Theo chuyên gia thống kê nhân khẩu Trung Quốc Hà Á Phúc, với việc Ấn Độ duy trì tỉ suất sinh khoảng 2,3 con/người, quốc gia này có thể vượt Trung Quốc vào năm 2023 hoặc 2024, sớm hơn mốc 2027 mà Liên Hiệp Quốc dự báo.

Dân số là một yếu tố rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Giống như vốn và kỹ thuật, dân số có thể tạo ra giá trị. Tăng trưởng dân số chậm lại và quy mô dân số trong độ tuổi lao động giảm đi chắc chắn là tín hiệu bất lợi.

Vu Hồng (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính công thuộc Đại học Kinh tế tài chính Thượng Hải)


Nỗi lo kinh tế

Năm 2016, Trung Quốc bỏ chính sách một con để cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Tuy nhiên, theo đánh giá của tuần báo Nikkei Asia, Trung Quốc đã không thành công trong việc thuyết phục các cặp đôi sinh hai con.

Theo báo South China Morning Post, những người trẻ Trung Quốc không ngạc nhiên trước thông tin quê nhà là một trong những nước có tỉ suất sinh thấp nhất thế giới. Hầu hết dường như đồng cảm với xu hướng ngần ngại sinh con ngày càng tăng ở Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ Trung Quốc hiện nay nhìn chung coi việc có con sẽ gây ra gánh nặng tài chính. Theo đó, việc có ít hoặc không sinh con là cần thiết để duy trì chất lượng sống.

Nữ giáo sư Tống Kiện tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) cho biết số trẻ em sinh ra và tổng tỉ suất sinh là 2 tiêu chí quan trọng để đánh giá mức sinh của một nước. Trung Quốc đã sụt giảm ở cả hai tiêu chí này trong vài năm liên tiếp gần đây.

Thông thường khi tỉ suất sinh rơi xuống dưới mức 1,5, một quốc gia sẽ rơi vào bẫy sinh thấp và không thể phục hồi. Điều này đồng nghĩa tổng dân số của nước đó sẽ bắt đầu giảm sớm.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của bà Tống và các cộng sự, hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc đều muốn sinh con thứ hai nhưng ít người trong số họ thực hiện điều này vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế.

Theo giáo sư Tống, Trung Quốc phải tìm ra những lý do cản trở các cặp vợ chồng sinh con thứ hai và áp dụng những chính sách như hạ thấp chi phí giáo dục để tháo gỡ cho vấn đề khủng hoảng dân số hiện nay.

Giảm nhân lực lao động

Dân số Trung Quốc tăng, nhưng số dân trong tuổi lao động (15 - 59) lại đang giảm. Từ mức 936 triệu năm 2010, nhóm dân số này chỉ còn khoảng 900 triệu năm 2019.

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), Trung Quốc dự kiến trong tương lai vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo Bắc Kinh không thể giữ vững được vị trí đó nếu số lao động tiếp tục giảm. Khác với Mỹ, Trung Quốc không dựa vào người nhập cư để giúp bổ sung cho lực lượng lao động.

Theo tuoitre