Trung Quốc từ năm 2015 đã nới lỏng chính sách một con và cho phép hầu hết người dân được sinh thêm con thứ 2. Ảnh: China Daily
Tờ Financial Times hôm 27/4 đưa tin, điều tra năm ngoái tại Trung Quốc cho thấy dân số nước này đã xuống dưới 1,4 tỷ. Dù con số này vẫn cao hơn mức 1,34 tỷ trong cuộc điều tra năm 2010, nhưng đã thấp hơn so với cách đây 1 năm.
Tờ Thời Báo Hoàn cầu sau đó đã bác bỏ thông tin trên, cho rằng sự suy giảm dân số bắt đầu từ năm ngoái ở Trung Quốc là “cực kỳ khó”, đồng thời lập luận số liệu của Financial Times là "lỗi thống kê”. Đến ngày 29/4, trong một tuyên bố dài, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc khẳng định dân số nước này vẫn tiếp tục tăng trong năm 2020.
Dù vẫn chưa rõ tính xác thực của những số liệu trên, nhưng chúng vẫn đặt ra những câu hỏi về dân số của cường quốc châu Á.
Tỷ lệ sinh đẻ tiếp tục suy giảm
Theo Economist, dù Trung Quốc từ năm 2015 đã nới lỏng chính sách một con và cho phép hầu hết người dân được sinh thêm con thứ 2, song đến 2019, tổng số trẻ em mới sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1961.
Trong 3 quý đầu năm 2020, thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, ghi nhận tỷ lệ trẻ em mới sinh giảm tới 32% so với năm trước. Còn tại thành phố Duy Phường ở Sơn Đông, tỷ lệ này giảm gần 26% trong nửa đầu năm nay. Dữ liệu về tỷ lệ trẻ mới sinh ở những tỉnh, thành khác của Trung Quốc cũng có xu hướng tương tự, ngay cả trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Các nhà hoạch định từng ước tính tỷ lệ đẻ con trung bình của mỗi bà mẹ Trung Quốc trong năm 2021 là 1,8. Tuy nhiên, một số học giả khác ước tính tỷ lệ này chỉ nằm trong khoảng 1,6 - 1,7. Trong khi đó, một tài liệu làm việc mới được phát hành vào tháng 3 vừa qua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ đẻ con của nước này sẽ không quá 1,5.
Những con số như vậy đang đặt ra viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với Trung Quốc. Dân số thuộc độ tuổi lao động của nước này (từ 16 - 64 tuổi) đã giảm từ năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ người trên 60 tuổi lại tăng từ 10,4% vào năm 2000 lên 17,9% vào năm 2018. Và dự báo, 1/3 người Trung Quốc sẽ nằm trong độ tuổi từ 60 trở lên vào năm 2050.
Việc hỗ trợ những đối tượng cao tuổi này sẽ tạo nên một gánh nặng, trừ khi những người già vẫn có khả năng làm việc lâu dài. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo quỹ hưu trí của nước này có thể hết tiền ngay sau năm 2035.
Tỷ lệ dân số theo độ tuổi tại Trung Quốc. Nguồn World Bank
Mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính
Tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn tiếp diễn. Từ thập niên 1980, những quy định hạn chế sinh đẻ, kết hợp với văn hóa trọng nam và khả năng tiếp cận dễ dàng với công nghệ siêu âm trước khi sinh, đã gia tăng tình trạng nạo phá thai là con gái. Năm 2019, số đàn ông Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ khoảng 30 triệu người, và giới chức lo ngại con số này sẽ tiếp tục gia tăng.
Tỷ lệ sinh thấp buộc nhiều địa phương phải từ bỏ các chính sách kiểm soát sinh đẻ. Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh là những nơi đầu tiên thực hiện điều này, do gần đây, tỷ lệ sinh ở những tỉnh này chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình của toàn Trung Quốc. Tháng 2 vừa qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết 3 tỉnh trên có thể trở thành những khu vực đầu tiên cho phép người dân tự quyết về việc sẽ sinh bao nhiêu con.
Tuy nhiên, “hầu hết mọi người đều không muốn có con hoặc nhiều nhất chỉ là một con. Vì vậy, ngay cả khi loại bỏ mọi giới hạn từ bây giờ, thì điều đó cũng không có nhiều tác dụng”, Trương Hiểu Thần, giáo sư kinh tế của Đại học Duke-Côn Sơn, cho biết.
Bên cạnh tư tưởng về một gia đình nhỏ, những chi phí cao về nhà ở, y tế và giáo dục cũng làm nản lòng nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc trong việc đẻ thêm con.
Tháp dân số Trung Quốc giai đoạn 2018-2050. Nguồn Population Pyramid
Nuôi con ngoài giá thú là điều không được xã hội Trung Quốc chấp nhận và khuyến khích, ngay cả khi ngày càng nhiều người trẻ của nước này tìm cách trì hoãn việc kết hôn hoặc sống ly thân.
Năm ngoái, tỷ lệ người đăng ký kết hôn tại Trung Quốc đã giảm 12% xuống chỉ còn hơn 8 triệu, thấp nhất kể từ năm 2003. Luật pháp Trung Quốc còn ngăn cản phụ nữ chưa kết hôn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoặc đông lạnh trứng của mình để sử dụng trong tương lai.
Dù Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến các chính sách như thưởng tiền mặt để khuyến khích các bậc cha mẹ sinh con thứ 2, nhưng bằng chứng từ những quốc gia khác đang thực hiện phương thức tương tự cho thấy điều này là rất khó.
Cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em phù hợp với giá cả phải chăng có lẽ là cách hiệu quả nhất mà các chính phủ có thể làm để tăng mức độ sinh đẻ. Tuy nhiên, việc này tốn kém và phức tạp hơn nhiều so với những khoản “tiền thưởng sinh con” mà một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang áp dụng.
Hầu hết người Trung Quốc đều không muốn có con hoặc nhiều nhất chỉ là một con. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhiều vấn đề bất lợi, khó giải quyết
James Liang, nhà kinh tế học tại trường Quản lý Quảng Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, tin rằng vấn đề nhân khẩu học bất lợi của Trung Quốc sẽ hạn chế quy mô thị trường và đội ngũ nhân tài, và do đó cản trở sự phát triển của họ.
Ông Liang cho biết, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một số lượng lớn người nhập cư, và điều này sẽ tạo cho Mỹ một lợi thế lớn. Trong 10 hoặc 20 năm tới, Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục phát triển tốt, nhưng sau đó Mỹ “sẽ chiếm lại vị trí lãnh đạo và Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt kịp”.
Tỷ lệ sinh giảm sẽ dẫn đến một vấn đề khác, như kế hoạch kinh tế 5 năm mới được Trung Quốc công bố vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm các kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.
Thống kê đà giảm dân số ở TQ và các nước đông dân khác. Nguồn: The Lancet
Hiện tuổi hưu ở các thành phố lớn của nước này là 60 với nam giới, 55 đối với phụ nữ công sở và 50 đối với phụ nữ lao động, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia phát triển khác. Việc kéo dài độ tuổi lao động có nguy cơ khiến mức sinh tại Trung Quốc giảm hơn nữa, vì nhiều gia đình phải phụ thuộc vào các thế hệ ông bà để chăm sóc con cái.
Nhìn chung, hiện khó có một lối thoát nào dễ dàng cho vấn đề dân số tại Trung Quốc.
Theo premium.vietnamnet