Số liệu từ cuộc điều tra dân số được công bố hôm 11/5 cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc từ lâu đã dựa vào lực lượng lao động đông đảo và đầy tham vọng để vận hành các nhà máy và hiện thực hóa ước mơ trở thành siêu cường công nghiệp toàn cầu. Nhưng tình trạng dân số già hóa, tăng chậm, thậm chí có thể bắt đầu giảm trong những năm tới, đang đe dọa điều đó.
Thách thức liên quan đến dân số già hóa của Trung Quốc cũng tương tự những gì các nước phát triển như Mỹ đang trải qua. Nhưng các hộ gia đình Trung Quốc có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nơi khác. Nói cách khác, người Trung Quốc đang già đi mà chưa giàu lên.
"Già hóa dân số là tình trạng cơ bản của Trung Quốc trong thời gian tới", Ninh Cát Triết, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nói tại cuộc họp báo công bố kết quả của cuộc điều tra dân số.
Trong khi dân số hầu hết các quốc gia phát triển ở phương Tây và châu Á cũng đang già hóa, các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc phần lớn là do họ tự gây ra. Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con vào năm 1980 để giảm đà tăng dân số. Các quan chức địa phương thực thi chính sách đó bằng các biện pháp đôi khi rất hà khắc. Theo chính phủ, họ có thể đã giảm được 400 triệu ca sinh nở, nhưng cũng làm giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Dân số Trung Quốc là 1,41 tỷ người, theo điều tra dân số được thực hiện vào năm ngoái. Kể từ cuộc điều tra dân số trước đó vào năm 2010, dân số Trung Quốc đã tăng 72 triệu người. Mức tăng này lớn hơn dân số Anh hoặc Pháp, nhưng lại là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ khi chính phủ Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên vào năm 1953.
Số ca sinh mới được duy trì ở thấp cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục. Theo ông Ninh, chỉ 12 triệu trẻ được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái. Đây là năm thứ tư liên tiếp số ca sinh ở nước này giảm và là mức thấp nhất kể từ năm 1961, khi nạn đói lan rộng đã giết chết hàng triệu người và chỉ có 11,8 triệu em bé được sinh ra.
Tình trạng dân số của Trung Quốc có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải suy nghĩ về những thất bại trong chính sách kế hoạch hóa gia đình, vốn là một trong những nguồn cơn gây bất mãn lớn nhất cho công chúng trong nhiều thập kỷ. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có nguy cơ làm phức tạp hóa "giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập - cam kết về thịnh vượng kinh tế lâu dài và chấn hưng quốc gia mà ông coi là di sản của mình.
Bắc Kinh đang chịu áp lực cần thực hiện những biện pháp gồm từ bỏ các chính sách kế hoạch hóa gia đình, thay đổi mô hình kinh tế vốn dựa vào dân số khổng lồ và lực lượng lao động dồi dào, đồng thời lấp đầy những khoảng trống trong y tế và lương hưu.
"Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nhân khẩu học cấp bách và nghiêm trọng nhất trên thế giới. Đây là một quả bom hẹn giờ", Liang Jianzhang, giáo sư nghiên cứu về kinh tế học ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh, đồng thời là chuyên gia về nhân khẩu học, đánh giá.
Với số liệu dân số mới, tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình hàng năm của Trung Quốc là 0,53% trong thập kỷ qua, giảm từ 0,57% giai đoạn 2000-2010. Với đà này, Ấn Độ nhiều khả năng vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong những năm tới.
Các nhà nhân khẩu học cho rằng không có cách nào dễ dàng để tháo gỡ "quả bom nổ chậm" này. Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc có học thức trì hoãn kết hôn và tỷ lệ kết hôn đã giảm kể từ năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn đã tăng liên tục kể từ năm 2003. Nhiều người trẻ không muốn có con vì chi phí nuôi dạy cao.
Ở thành phố Thành Đô tây nam đất nước, Tracy Wang, 29 tuổi, dạy tiếng Anh cho trẻ em tại một trung tâm do cô thành lập, nhưng cô không muốn sinh con. "Về bản chất, tôi không thích trẻ con lắm. Chúng dễ thương nhưng tôi không muốn sinh con hay chăm sóc chúng", Wang nói.
"Trước đây nhiều người từng nghĩ đó là một suy nghĩ viển vông. Họ đặt câu hỏi sao có thể suy nghĩ như vậy", cô nói. "Nhưng bây giờ, tất cả đều hiểu rằng những người không muốn có con là vì không đủ khả năng tài chính".
Theo ông Ninh, tổng tỷ lệ sinh của Trung Quốc, chỉ số trẻ em trung bình được sinh ra trong suốt cuộc đời của một phụ nữ, hiện chỉ ở mức 1,3. Ông cho biết số ca sinh năm ngoái thấp hơn một phần vì tâm lý không chắc chắn do đại dịch gây ra. Ông thừa nhận các chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến mức sinh nhưng cho rằng mức sống được cải thiện và thái độ xã hội thay đổi cũng là các yếu tố có ảnh hưởng lớn.
"Mức sinh thấp đã trở thành vấn đề chung với hầu hết các nước phát triển và nó cũng sẽ trở thành vấn đề thực tế mà đất nước chúng ta phải đối mặt", ông Ninh nói.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Điều tra dân số cho thấy người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số, tăng từ mức 8,9% vào năm 2010.
Dân số vốn là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào vô số lao động trẻ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, giá nhân công đang tăng cao, một phần do thiếu lao động. Các chủ xưởng ở thành phố Quảng Châu, miền nam nước này đang chật vật tìm người làm. Một số công ty còn chuyển sang sử dụng robot vì không thể tìm đủ nhân công.
Khi dân số già đi, họ cũng sẽ gây áp lực to lớn lên các bệnh viện và hệ thống hưu trí. Trung Quốc cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa nam giới độc thân, đã dẫn đến các vấn đề như buôn bán cô dâu - hệ quả không mong muốn từ các quy định kế hoạch hóa gia đình.
Khó có thể đảo ngược những vấn đề này. Ba thập kỷ sau khi chính sách một con được áp dụng, thái độ về quy mô gia đình đã thay đổi, nhiều người Trung Quốc hiện thích chỉ có một con.
Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine, đã ví chính sách kiểm soát sinh sản của Trung Quốc như một khoản vay thế chấp mà chính phủ đã thực hiện với tương lai của mình. "Kết quả điều tra dân số cho thấy giờ là lúc họ phải trả giá", Wang nói. "Vấn đề nhân khẩu học sẽ hạn chế nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc".
Cuộc điều tra dân số có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nới lỏng hơn nữa các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình, vốn đã được điều chỉnh từ năm 2016 để cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhiều chính quyền địa phương cho phép các gia đình có từ ba con trở lên mà không bị phạt.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia, với tốc độ vượt xa các khoản đầu tư ít ỏi của chính phủ vào y tế và dịch vụ xã hội cho nhóm người lớn tuổi. Một thách thức lớn của Bắc Kinh là làm thế nào để khiến thế hệ trẻ của đất nước quan tâm đến nhóm người nghỉ hưu đang ngày càng gia tăng. Trẻ dưới 14 tuổi hiện chiếm 18% dân số, chỉ tăng nhẹ so với mức 17% của một thập kỷ trước.
Chính quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu, hiện ở mức thấp nhất thế giới là 60 đối với nam và 50 tuổi đối với hầu hết phụ nữ, để giảm bớt áp lực đối với hệ thống lương hưu. Quỹ hưu trí có nguy cơ cạn tiền vào năm 2036 nếu các chính sách không thay đổi, theo nghiên cứu do Bắc Kinh ủy quyền.
Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo ra một loạt vấn đề. Nhiều thanh niên Trung Quốc lo lắng động thái đó sẽ khiến họ khó tìm việc làm hơn, những người có con nhỏ lo sợ cha mẹ sẽ không có thời gian chăm cháu. Một số người lớn tuổi e rằng họ sẽ khó tìm hoặc giữ được việc làm trong xã hội thường ưu tiên lao động trẻ hơn.
Trong những thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu khi dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp.
"Trong tương lai gần, kinh tế Trung Quốc khó có thể chiếm lấy vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ", Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nói. "Và lý do chính cho điều đó là sự khác biệt về nhân khẩu học".
Theo vnexpress