Chương mới cho bình đẳng giới
Đây là sự kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc kể từ năm 1995 đến nay liên quan đến việc thực hiện Công ước về bình đẳng giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ trì phiên khai mạc với sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres và nhiều nguyên thủ cùng lãnh đạo cấp cao các nước đến từ châu Âu và châu Mỹ; đại diện các tổ chức tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò lãnh đạo và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các đại biểu tham dự diễn đàn
Diễn đàn bình đẳng thế hệ là một sự kiện toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, do Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khởi xướng với sự đồng chủ trì của Pháp và Mexico. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm 26 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, chính sách toàn cầu đầu tiên và cơ bản về bình đẳng giới. Phần 1 của Diễn đàn GEF đã diễn ra tại Mexico tháng 3/2021, phần 2 được tổ chức tại Pháp với hơn 110 sự kiện. Đây là cơ hội để thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua vào năm 1995, các vấn đề bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và đề xuất những hành động, cam kết cụ thể trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng giới ngày một trầm trọng hơn, bởi tình trạng dễ bị tổn thương do nguồn gốc xuất thân, vùng miền, dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đại dịch COVID-19 đã khắc sâu thêm sự bất bình đẳng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là đã thổi bùng lên tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Chính vì những điều này mà các mục tiêu của Diễn đàn trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.
Tổng thống Pháp Emmanuel cam kết: "Thông qua Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ, mục tiêu của Pháp là bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như tất cả các quyền con người. Chính phủ Pháp sẽ ủng hộ 100 triệu USD để cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình của phụ nữ".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu
TTK LHQ António Guterres nhấn mạnh, Diễn đàn là thời điểm "để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới trên toàn cầu, hướng tới xã hội công bằng và bình đẳng giới". Còn bà Phumzile Mlambo-Ngcuka – Phó TTK LHQ, Giám đốc Điều hành UN Women - lưu ý: "Đây là một chương mới cho bình đẳng giới. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm sống lại chương trình nghị sự chưa hoàn thành của Bắc Kinh, đoàn kết với niềm tin rằng chúng ta phải chấp nhận rủi ro và làm những điều khác biệt".
Lộ trình 5 năm tới
Tại Diễn đàn, các đại biểu bàn đến "Kế hoạch tăng tốc toàn cầu" về bình đẳng xoay quanh 6 chủ đề: Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Quyền kinh tế của phụ nữ; Quyền với cơ thể, sức khỏe tình dục và sinh sản; Phụ nữ hành động vì khí hậu; Công nghệ và sáng tạo vì bình đẳng giới; Các phong trào nữ quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ. Các Liên minh hành động sẽ xây dựng lộ trình thúc đẩy bình đẳng giới và khởi xướng các hoạt động cụ thể để thực hiện trong 5 năm tới.
Diễn đàn thể hiện các cam kết cụ thể và tập trung mạnh vào việc thực hiện và tài trợ cho bình đẳng giới. Dự kiến 40 tỷ USD đầu tư mới của Diễn đàn sẽ là nguồn lực tập thể lớn nhất từ trước đến nay cho bình đẳng giới toàn cầu. Trong đó, cam kết trị giá 2,1 tỷ USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, sức khỏe sinh sản và trao quyền kinh tế đã được công bố. Bên cạnh đó, khoản đầu tư 420 triệu USD từ Quỹ Ford sẽ giải quyết các mối đe dọa đối với quyền của phụ nữ do COVID-19 gây ra. Ngân hàng Thế giới cam kết đầu tư lớn cho các chương trình ở 12 quốc gia châu Phi nhằm giải quyết bất bình đẳng giới.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trực tuyến
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra các cam kết về chính sách và nguồn lực hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, an ninh kinh tế của phụ nữ cũng như các quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản.
Ngự Bình (Nguồn: UN Women)