|
|
Nhiều người trẻ đề cao tự do cá nhân thay vì kết hôn và sinh con |
Han Jia, chuyên viên thiết kế nội thất 34 tuổi ở Hàn Quốc, nói: "Chồng tôi cho rằng có con sẽ hạn chế các lựa chọn trong cuộc sống. Còn tôi thì quan ngại một số yếu tố, như không chắc chắn con cái có tương lai hạnh phúc khi môi trường tự nhiên và xã hội ngày càng xấu đi, cũng như việc rất khó tiếp tục làm việc sau khi có con". Cô nhận thấy Hàn Quốc đã cải thiện chế độ nghỉ thai sản và nhiều nam giới giúp làm việc nhà hơn, song cho rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Hàn Quốc trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2017, với hơn 14% dân số từ 65 tuổi trở lên. Con số này được dự đoán đạt 37% vào năm 2045, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình ở Hàn Quốc ở mức 83,5 tuổi vào năm 2020, trước khi dân số bắt đầu giảm lần đầu tiên vào năm sau đó do tỷ lệ sinh giảm.
Trung Quốc hiện cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự khi tỷ lệ sinh giảm năm thứ 5 liên tiếp và giảm xuống mức thấp kỷ lục là 7,52 ca sinh trên 1.000 người trong năm 2021, so với 8,52 vào năm 2020.
Felizia Yao, một phụ nữ độc thân 27 tuổi sống ở Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: "Sinh con không phải là một mục tiêu bắt buộc trong cuộc đời tôi và tôi cũng chưa có đủ tự tin để có con. Nuôi dạy con cái là một thử thách và về mặt kinh tế rất tốn kém. Với tình hình tài chính hiện tại, gánh nặng nuôi con đồng nghĩa với việc tôi phải hy sinh chất lượng cuộc sống của mình. Vì vậy hiện tại, tôi không có lý do gì để sinh con".
Chuyên gia lý giải nguyên nhân
Theo nhà nhân khẩu học người Trung Quốc He Yafu, phụ nữ ở Đông Á có thể ít muốn sinh con hơn vì phải đảm nhận vai trò là người chăm sóc chính, một điều khiến họ gặp bất lợi trong sự nghiệp. Ông nói: "Trong văn hóa Đông Á, sinh con đồng nghĩa với việc phụ nữ phải cống hiến và hy sinh nhiều hơn, trong khi nam giới ít tham gia chăm sóc con cái. Phụ nữ đã kết hôn và sinh con dễ bị phân biệt đối xử trong thị trường việc làm. Nhiều người buộc phải sinh ít hoặc không sinh con để thăng tiến trong sự nghiệp".
Theo Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, phụ nữ ở Đông Á giờ đây đã nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng giới. Với việc hệ thống xã hội đang tụt lùi trong việc tạo điều kiện để chăm sóc con trẻ, phụ nữ ngày càng chọn không kết hôn và sinh con.
Kim, 39 tuổi, làm việc trong ngành y tế, có con gái 3 tuổi, chia sẻ, sự nghiệp của cô rất khó duy trì khi sinh con. Người phụ nữ đến từ Seoul (Hàn Quốc) này cho hay: "Phụ nữ được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái nhưng ở nơi tôi làm việc, phụ nữ cũng được kỳ vọng mang lại hiệu quả tương tự trong công việc".
Chi phí cao trong việc nuôi dạy con cái ở Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi các bậc cha mẹ trung lưu thường chi tiền cho con cái học trường tư, là một nguyên nhân khác khiến nhiều gia đình cân nhắc việc sinh con.
GS Yuan Xin, khoa Nhân khẩu học, ĐH Nam Đài, Thiên Tân (Trung Quốc), cho biết Nho giáo đứng sau hiện tượng sinh thấp của khu vực khi văn hóa đề cao giáo dục và đạo đức, một điều khiến nhiều bậc cha mẹ đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức cho con cái. Ngoài ra, thị trường việc làm khó khăn và chi phí nhà ở đắt đỏ cũng khiến nhiều người ngần ngại sinh con.
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, nhiều người trẻ tuổi cũng đang đề cao thành tích và tự do của chính mình thay vì con đường truyền thống là kết hôn và sinh con. Reona Ding, một phụ nữ 33 tuổi ở Trung Quốc, tâm sự: "Tôi cần thời gian để đạt được mục tiêu và toại nguyện cho bản thân trước khi sinh và nuôi con".
Từ nhiều thập kỷ trước, Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách để giải quyết vấn đề dân số già, trong đó chú trọng đến việc tạo điều kiện và tăng thời gian nghỉ thai sản cho cha mẹ, tăng cường những trung tâm chăm sóc và dịch vụ trông trẻ, đồng thời hỗ trợ phụ cấp cho sinh con và chăm sóc trẻ em. Chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực khuyến khích giới trẻ sinh con bằng cách kéo dài thời gian nghỉ thai sản và ưu đãi thuế.
Kim Ngọc (Nguồn: SCMP)