Ngày 9/7, hai ngày sau khi đọc thông báo của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) về việc trục xuất và không tiếp nhận sinh viên quốc tế, Nguyễn Ánh, sinh viên năm hai một trường thuộc California State University (bang California) đã bớt căng thẳng nhưng vẫn bức xúc. Em mô tả chính sách "đột ngột, quá đáng" trong khi sinh viên quốc tế đóng góp cho nền kinh tế nước này tới hơn 41 tỷ USD mỗi năm.

Sang Mỹ học từ lớp 11, năm nay là lần đầu tiên Ánh chứng kiến "xứ sở cờ hoa" rơi vào tình trạng tồi tệ do dịch bệnh. Nhận được lời khuyên từ bố mẹ, trường cũng chuyển sang học online, ngày 23/3, Ánh về Việt Nam. Thời điểm đó, khu vực em sinh sống có gần 50 ca mắc Covid-19.

Kể từ ngày về nước tới đầu tháng 5 (nửa cuối kỳ mùa xuân), Ánh không bỏ buổi học online nào. Việc học gặp khó khăn vì múi giờ ở Mỹ và Việt Nam lệch 12 tiếng, Ánh phải ngủ vào ban ngày và học từ 10h tối đến 8h sáng hôm sau. Dù vất vả hơn, học online không hiệu quả như học trực tiếp, Ánh vẫn chấp nhận vì cảm thấy an toàn, tâm lý ổn định hơn so với khi ở Mỹ đúng lúc dịch bùng phát.

Với kỳ mùa thu, ban đầu trường của Ánh lên kế hoạch dạy online 100% nhưng sau đó đổi thành ba hình thức là trực tiếp, hybrid (kết hợp trực tiếp với online) và online. Ánh đăng ký học online tất cả môn bởi chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ rất hiếm, hơn nữa tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn căng thẳng. Với em lúc này, ở Việt Nam là lựa chọn an toàn.

Thế nhưng thông báo của ICE khiến Ánh phải xóa bỏ kế hoạch. "Em không hiểu tại sao chính quyền lại đưa ra chính sách như vậy. Tại sao họ lại yêu cầu sinh viên phải đến trường giữa lúc dịch bệnh phức tạp hơn nhiều lần so với giai đoạn trước? Chưa kể việc yêu cầu sinh viên quốc tế phải về nước nếu học online 100% là bất khả thi khi nhiều nước chưa mở đường bay", Ánh bức xúc nói.

Dù biết khó thay đổi chính sách, Ánh vẫn tích cực tìm các giải pháp cùng những du học sinh khác. Em vào các nhóm thảo luận với du học sinh đang ở Mỹ và đã về Việt Nam, gửi email cho bộ phận hỗ trợ du học sinh của trường nhưng chưa được phản hồi. Em chia sẻ các link bình chọn liên quan và ký đơn đề nghị trên web của Nhà Trắng với mong muốn thay đổi chính sách này.

Điều Ánh mong muốn nhất bây giờ là trường có phương án để sinh viên vẫn được học online ở quê nhà và không bị tác động bởi chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, điều này rất khó bởi theo thông báo của ICE, nếu học online 100%, du học sinh không thể nhập cảnh vào Mỹ khi muốn trở lại để tiếp tục học những kỳ sau.

Hiện, Ánh đã đăng ký 5 lớp với 15 tín chỉ cho kỳ mùa thu. Em đã nộp học phí gần 10.000 USD cùng bảo hiểm 6 tháng gần 900 USD. "Sẽ rất tệ nếu em không được học online ở Việt Nam hay không được cấp visa để trở lại Mỹ", Ánh nói.

Đường bay chưa mở nhưng vẫn có những chuyến bay được Chính phủ cho phép nên việc sang Mỹ để học trực tiếp không phải là bất khả thi. Tuy nhiên, nếu có thể sang, nữ sinh Đà Nẵng cũng không dám bởi tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang quá căng thẳng với số ca mắc Covid-19 tăng 60.000 một ngày. Ánh đang tính đến việc xin "gap" (bảo lưu) một kỳ. Em cần liên hệ với trường để xem thủ tục.

Thấy Ánh lo lắng, bố mẹ cũng động viên. "Bố mẹ bảo nếu không qua Mỹ được thì em học ở Việt Nam hay tính đường đi nước khác. Bố mẹ luôn ủng hộ giúp em bớt căng thẳng", Ánh nói. Dù vẫn muốn hoàn thành chương trình học dở dang tại California State University, Ánh khẳng định sẽ đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu để tính toán kế hoạch tiếp theo.

Giống như Ánh, Đỗ Đức Huy, 19 tuổi, sinh viên Đại học bang Missouri, rơi vào tình thế "đi không được, ở không xong" khi chuẩn bị đăng ký tín chỉ, lịch học cho kỳ mùa thu, bắt đầu vào tháng 9.

Đỗ Đức Huy hiện là sinh viên năm nhất Đại học bang Missouri. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chàng trai Hà Nội cho biết do thông báo mới của ICE, Đại học bang Missouri quyết định dạy kết hợp online và trực tiếp, tạo điều kiện cho sinh viên đã về nước tiếp tục học online hết kỳ. Tuy nhiên, theo ICE, ngay cả khi được trường cho phép, du học sinh cũng không được phép nhập cảnh vào Mỹ nếu đăng ký toàn bộ tín chỉ online. "Như vậy, du học sinh chỉ còn một cách duy nhất là quay trở lại Mỹ, đến trường học trực tiếp", Huy nói.

Đầu tháng 4, Huy may mắn là một trong hơn 300 người mắc kẹt tại Mỹ được về trên chuyến bay cứu trợ đầu tiên của Chính phủ Việt Nam. Em không muốn mạo hiểm quay lại Mỹ khi tình hình Covid-19 vẫn căng thẳng. Hơn nữa, Việt Nam chưa khai thác đường bay quốc tế, việc đến Mỹ không dễ dàng. Sau khi cân nhắc và hỏi ý kiến bố mẹ, nam sinh dự tính ba phương án.

Nếu ICE điều chỉnh chính sách và cho phép du học sinh học online 100%, Huy sẽ ở lại Việt Nam. Nam sinh cho rằng đây là phương án lý tưởng nhất, không chỉ em mà nhiều du học sinh khác đều muốn.

Với phương án hai, Huy tính bảo lưu kết quả học tập tại Mỹ một kỳ hoặc một năm, chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc các chính sách về lưu trú cho du học sinh được điều chỉnh, cho phép học online từ Việt Nam thì sẽ đăng ký học online trở lại. Việc bảo lưu có thể ảnh hưởng đến học bổng đang được hưởng, Huy sẽ liên lạc với trường để giữ lại nhiều nhất có thể. Trường hợp bị mất hoàn toàn, Huy cũng chấp chận.

Ngoài ra, nam sinh chuẩn bị phương án bỏ dở việc học tại Đại học bang Missouri, không quay lại Mỹ nữa. Huy sẽ tìm hiểu chương trình học của một số trường quốc tế hoặc chương trình quốc tế của đại học công lập, cho phép học chuyển tiếp chương trình em đã học tại Mỹ. Đây là lựa chọn khiến Huy tiếc nuối nhiều nhất khi đã ấp ủ "giấc mơ Mỹ" từ lâu, cũng đã đầu tư tiền bạc, công sức theo học một năm. Không chỉ vậy, vì không lường trước việc sẽ không trở lại, Huy vẫn để nhiều đồ ở Mỹ, tiền nhà đã đóng xong cả năm. Đổi lại, nếu ở lại Việt Nam học tiếp, nam sinh cảm thấy an toàn hơn.

"Trước mắt, em sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và lịch học từ phía trường và động thái từ chính quyền, sau đó thống nhất lại với gia đình, tránh quyết định vội vàng vì những phương án này đều ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của em", Huy nói.

Hoàng Tùng, 20 tuổi, sinh viên Đại học Hofstra (New York), đang chờ lịch học kỳ thu trong ít ngày tới để đưa ra lựa chọn. Về Hà Nội từ tháng 3 khi đường bay quốc tế chưa đóng, Tùng đã hoàn thành chương trình năm hai thông qua hình thức học online. Kỳ tới, em vẫn dự định duy trì hình thức này để có thể tiếp tục an toàn ở lại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Đại học Hofstra, trường sẽ kết hợp học online và trực tiếp trong kỳ thu. "Em khá lo lắng vì sợ những môn mình cần học sẽ không có lớp online, bắt buộc học trực tiếp", Tùng nói. Nam sinh hy vọng có thể đăng ký học tất cả môn kỳ tới theo hình thức online mà không bị ảnh hưởng. Trường hợp không có lớp học từ xa, Tùng vẫn đăng ký để "học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu" vì không có ý định quay lại Mỹ trong một vài tháng tới.

Do mới biết thông báo của ICE, Tùng chưa kịp lên nhiều phương án. "Em sẽ đợi lịch học chính thức kỳ tới của trường để chọn lựa môn cần thiết, phù hợp và tiếp tục nghe ngóng từ chính quyền. Em cũng sẽ trao đổi lại với bố mẹ để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất", Tùng nói. Trường hợp không thể quay lại Mỹ, Tùng dự định học chuyển tiếp một trường quốc tế tại Việt Nam hoặc sang Canada.

Theo thông báo của ICE hôm 6/7, sinh viên quốc tế đang giữ visa F-1 và M-1 sẽ phải về nước nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100% vào mùa thu tới. Nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng phản đối chính sách này, cho là "sai lầm". Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thậm chí còn kiện chính quyền Trump về chính sách này. Hôm 7/7, Trump khẳng định sẽ gây áp lực để các thống đốc bang mở lại trường vào mùa thu.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 3,1 triệu ca nhiễm nCoV và gần 135.000 trường hợp tử vong. Gần 40 bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan. Hôm 8/7, số ca nhiễm mới trong 24 giờ là hơn 60.000. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới đạt mức này.

Theo vnexpress