Sau khi lớp học kết thúc lúc 15 giờ, Nat vội vã rời trường để kịp đến chỗ làm cách đó 40 phút. Cô là một nhân viên phục vụ quán bar. Phải đến gần nửa đêm, ca làm 7 tiếng của Nat mới kết thúc. Còn vào cuối tuần, nữ sinh 19 tuổi này thường làm ca 12 tiếng.

Số tiền mà Nat chăm chỉ kiếm được không phải để mua sắm hay du lịch, ăn chơi. Cô sử dụng chúng nhằm trả tiền thuê hàng tháng là 770 USD.

gioi tre singapore thue nha song thu anh 1

Nhiều người trẻ chọn được tự do và độc lập khỏi gia đình. Ảnh:The Straits Times.

Nat đánh đổi thời gian vô lo nghĩ lấy sự tự do, độc lập. Trước đây, cô sống cùng bố mẹ trong một căn nhà rộng rãi, có người giúp việc, cho đến khi quyết định chuyển ra ngoài sống hồi tháng 7.

Hiện Nat ở cùng 3 người bạn khác trong một căn hộ nhỏ gồm 2 phòng ngủ với 1 nhà vệ sinh duy nhất.

Đại dịch Covid-19 là lý do chính tác động đến quyết định này của Nat. Kể từ khi Singapore áp dụng các quy định hạn chế, bố mẹ cấm cô không được ra khỏi nhà, dù chỉ là đi dạo quanh khu phố. Sự lo lắng thái quá của bố mẹ khiến Nat cảm thấy ngột ngạt.

“Ngày nào cũng nhìn mặt nhau trong một không gian kín khiến tôi và gia đình cãi nhau rất nhiều lần. Những bất đồng cứ chồng chất, cho đến một ngày tôi muốn ra ngoài sống vì không thể chịu được nữa”, Nat chia sẻ.

Sống thử trước hôn nhân

Chuyện thuê nhà sống riêng từ lâu trở thành “tiêu chuẩn” của giới trẻ tại nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Thế nhưng, điều đó không mấy phổ biến trong xã hội Singapore. Thông thường, con cái sẽ ở cùng nhà với gia đình cho đến khi dựng vợ gả chồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch chưa từng có và trước sự thay đổi các giá trị truyền thống, một số thanh niên Singapore quyết định đi thuê nhà, bất chấp chi phí đắt đỏ.

gioi tre singapore thue nha song thu anh 2

Nhiều người muốn sống thử trước hôn nhân để xem có hòa hợp không. Ảnh:99.co.

Zachary Tang (28 tuổi), bạn trai của Nat, ở cùng cô 4 ngày/tuần và đóng góp 219 USD tiền thuê nhà mỗi tháng. Lý do chuyển ra ngoài sống cùng bạn gái của anh không xuất phát từ đại dịch, mà vì Tang muốn có không gian riêng.

“Tôi muốn được trải nghiệm cảm giác độc lập. Với lại, làm thế nào để biết được liệu chúng tôi có hòa hợp sau khi kết hôn không nếu chưa từng sống thử?”, anh chia sẻ.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore, hơn 90% dân số nước này là chủ của một căn hộ hoặc ngôi nhà riêng. Điều này được thúc đẩy bởi mức giá bán hợp lý của chủ đầu tư, cùng chính sách trợ cấp nhà ở xã hội của chính phủ lên tới hơn 117.000 USD.

Nhưng Covid-19 xuất hiện và tạo ra vấn đề cho những người muốn mua nhà. Kể từ khi Singapore ngừng hoạt động vì dịch vào cuối tháng 3, các dự án xây dựng nhà ở đang được tiến hành bất ngờ bị trì hoãn từ 6-9 tháng.

Thời gian dự kiến hoàn thành sẽ lùi xuống hơn 5 năm, thay vì chỉ 3-4 năm như thông báo trước đó của chủ đầu tư.

Một số người như luật sư Laura Yeo (26 tuổi) không thể ngồi yên chờ đợi thêm. Cô gái 26 tuổi và bạn trai đã mua một căn hộ dự kiến hoàn thành trong 3 năm nhưng có lẽ sẽ còn lâu hơn để hoàn thiện vì dịch.

Vì vậy, họ quyết định ra ở riêng sớm. Hai người thuê một căn hộ 3 phòng ngủ cùng với một người bạn nữa. Về phần mình, Yeo phải trả 525 USD tiền thuê mỗi tháng.

“Chúng tôi cảm thấy 3 năm là khoảng thời gian chờ đợi quá dài để được sống cùng nhau. Đã đến lúc chúng tôi phải rời khỏi ‘vùng an toàn’ của mình”, cô nói.

Người trẻ độc thân chịu thiệt

Mức giá thuê trung bình cho các căn hộ gần trung tâm thành phố rơi vào khoảng 2.050 USD/tháng. Do đó, phần lớn người trẻ ra ở riêng thường có thu nhập cao và ổn định.

“Những người độc thân thuê nhà vẫn chưa nhiều ở Singapore. Họ thường là các chuyên gia trẻ tuổi với mức lương cao, đủ khả năng để chi trả tiền nhà”, Nicholas Mak, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại công ty bất động sản ERA Realty, cho biết.

gioi tre singapore thue nha song thu anh 3

Chính sách nhà ở xã hội của chính phủ Singapore lại thiên vị đối với các

gia đình hơn là người độc thân. Ảnh:Unsplash.

Giáo sư Sing Tien Foo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bất động sản và Đô thị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết khi làm việc tại nhà dần trở thành tiêu chuẩn mới trong xã hội, nhiều người nhận ra sống chung với gia đình khiến họ mất tập trung, nhất là những nhà đông người.

“Những người trẻ muốn có không gian riêng tư để học tập, làm việc. Vì vậy, họ thuê nhà ngắn hạn và chờ đến khi tiết kiệm đủ tiền mua nhà riêng”, ông nói.

Tuy nhiên, chính sách nhà ở xã hội của chính phủ Singapore lại thiên vị đối với các gia đình hơn là người độc thân.

Trong khi các cặp vợ chồng được ưu tiên cấp căn hộ mới xây và trợ giá, người không lập gia đình chỉ có thể mua nhà khi bước sang tuổi 35, từ khi họ góa bụa hoặc mồ côi. Không phải ai cũng chấp nhận đợi chờ lâu như vậy, nhất là những thanh niên không có ý định kết hôn sớm.

“Tôi thật sự phải đợi đến tuổi 35 để đủ điều kiện mua một căn hộ thuộc dạng nhà ở xã hội à? Tôi muốn thực hiện điều đó khi vẫn còn trẻ. Thu nhập của tôi không đến nỗi nào”, Melissa Tee (28 tuổi), quản lý cấp cao tại một công ty quảng cáo, cho biết.

Hiện cô đang sống trong một căn hộ thuê với giá 1.750 USD/tháng cùng với bạn.

gioi tre singapore thue nha song thu anh 4

Người độc thân Singapore chỉ có thể mua nhà khi bước sang tuổi 35. Ảnh:Getty.

Bất chấp sự phản đối của những người độc thân, ông Mak khẳng định chính sách nhà ở xã hội của Singapore sẽ không thay đổi, đặc biệt khi tỷ lệ sinh ở đảo quốc sư tử ở mức rất thấp.

“Chính phủ mong muốn các thanh niên sớm kết hôn và ổn định cuộc sống. Họ sẽ không hạ độ tuổi tiêu chuẩn để mua nhà đâu. Nếu hạ xuống còn 30, khả năng sẽ có nhiều người trì hoãn cưới xin hơn”, ông nói.

Thay đổi các giá trị truyền thống

Mặc dù phần lớn xã hội Singapore còn bảo thủ, việc sống thử ngày càng phổ biến và được chấp nhận trong những năm gần đây.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore gần đây cho thấy tỷ lệ người dân phản đối sống thử giảm từ 46,5% (năm 2013) xuống còn 36,1% (năm 2018).

Tan Ern Ser, Phó giáo sư ngành Xã hội học tại NUS, nói rằng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Singapore là yếu tố chính khiến cho quan điểm sống tự do này gia tăng.

“Trong xã hội ‘hậu hiện đại’, giá trị truyền thống có xu hướng thay đổi và cho phép mọi người lựa chọn xu hướng sống thể hiện bản thân nhiều hơn. Điều đó bao gồm cả sống thử - một lựa chọn hoàn toàn có thể chấp nhận được”, ông cho biết.

gioi tre singapore thue nha song thu anh 5

Sống thử ngày càng được chấp nhận ở xã hội Singapore. Ảnh:iStock.

Bố mẹ của luật sư Yeo là ví dụ điển hình. Họ ủng hộ chuyện con gái chuyển ra ngoài sống và độc lập về tài chính.

“Bố mẹ tôi có suy nghĩ thoáng hơn nhiều so với các bậc phụ huynh gốc Hoa khác. Họ cho rằng đó là cách tốt nhất để tôi học được giá trị của tiền bạc”, cô nói.

Cũng có những người chưa thực sự cởi mở về việc thuê nhà sống riêng, trong đó có mẹ của Tang.

Chàng trai 28 tuổi cho biết mẹ vẫn cằn nhằn về quyết định của anh dù Tang đã ở riêng được 4 tháng. Do đó, tranh thủ những lúc về thăm nhà, Tang cố gắng dành nhiều thời gian chất lượng với mẹ, thay vì nhốt mình trong phòng riêng.

Trên thực tế, khoảng cách khiến cho các thành viên trong một số gia đình trở nên thân thiết hơn. Trước đây, Tee cho biết cô và bố mẹ hầu như không nói chuyện mấy. Nhưng kể từ khi cô chuyển ra ngoài sống, mối quan hệ này đã được cải thiện.

“Khi sống chung một nhà, đôi khi mọi người coi nhau là sự ‘đương nhiên’. Bây giờ, khi tôi về thăm nhà hoặc ghé qua dùng chung bữa tối, gia đình tôi trân trọng khoảng thời gian ít ỏi dành cho nhau hơn”, cô cho biết.

Theo Zing