Đức sẽ qua thời hoàng kim sau khi thủ tướng Merkel từ nhiệm?
Cập nhật lúc 00:00, Thứ bảy, 18/09/2021 (GMT+7)
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử ngày 26/9, sau 16 năm nắm giữ chức vụ này. Theo một cuộc khảo sát mới đây, nhiều người châu Âu nhận định rằng “thời kỳ hoàng kim” của nước Đức sẽ chấm dứt cùng với sự ra đi của bà.
Thủ tướng Angela Merkel bắt tay đám đông cùng với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ
Cuộc khảo sát, do Ủy ban quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện tại 12 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào đầu mùa hè với kết quả được công bố trong tuần này, cho thấy người châu Âu vẫn coi bà Merkel là một nhân tố tích cực tạo ra sự đoàn kết và mong muốn Đức tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trong EU.
Tuy nhiên, giới quan sát trong và ngoài nước hiện đang tỏ ra bi quan về tương lai của một nước Đức thời hậu Merkel.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người châu Âu, kể cả người Đức, đều nhận định cường quốc này đang đi xuống. Theo đó, đa số người Đức (52%) có quan điểm rằng đất nước của họ đã qua “thời hoàng kim”. Chỉ có 15% số người Đức tham gia khảo sát tin rằng nước này vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim, và 9% cho rằng nước Đức vẫn sẽ tiếp tục duy trì thời kỳ này.
Trên toàn châu Âu, 1/3 số người tham gia khảo cho rằng “ngôi sao của Đức đang lụi tàn”, 21% nhận định nước này đang ở “thời kỳ hoàng kim” và chỉ có 10% tin rằng thời kỳ này sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Dữ liệu cho thấy sự không chắc chắn, ở cả Đức và các nước láng giềng, về tương lai của nước này, cũng như vai trò “dẫn dắt” EU của Đức trên thực tế, khi bà Merkel rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử liên bang vào ngày 26/9.
Mặc dù hiện vẫn còn tồn tại một số chính sách gây tranh cãi, Merkel, 67 tuổi, vẫn rời nhiệm sở theo đúng nhiệm kỳ. Theo nhận định của tờ CNBC, bà vẫn là một nhân vật nổi tiếng ở châu Âu, và hơn hẳn người đồng cấp ở Pháp - Emmanuel Macron, mặc dù các chuyên gia phân tích kỳ vọng Macron sẽ cố gắng “hoàn thành những việc mà bà Merket chưa làm được trong lãnh đạo khu vực”.
Khi được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ai, nếu có một cuộc cạnh tranh giữa bà Merkel của Đức và thủ tướng Macron của Pháp cho chức vụ chủ tịch EU, đa số người châu Âu (41%) đều bầu cho Merkel và chỉ 14% chọn Macron (45% còn lại nói rằng không biết, hoặc sẽ không bỏ phiếu).
Sự ủng hộ cao nhất dành cho bà Merkel trong cuộc bầu cử giả định này thuộc về Hà Lan (58%), Tây Ban Nha (57%) và Bồ Đào Nha (52%). Ngay cả trong số những người Pháp, sự ủng hộ dành cho bà Merkel vẫn nhiều hơn (với tỷ lệ 32%) so với ông Macron (20%).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 4 /12/2019
Theo CNBC, không có gì đáng ngạc nhiên khi bà Merkel giành được sự yêu mến lâu bền từ nhiều người dân châu Âu như vậy. Bởi, bà được xem là một “đôi tay ổn định, thực dụng và có cái đầu lạnh khi giải quyết khủng hoảng”.
Trên thực tế, bà Merkel đã lèo lái nước Đức, khu vực sử dụng đồng euro, và rộng hơn là EU vượt qua một số giai đoạn khó khăn, như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền ở khu vực đồng euro với đỉnh điểm vào khoảng năm 2012, và cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016. Gần đây nhất, bà cũng đã thể hiện vai trò nổi bật trong việc phản ứng với đại dịch COVID-19 tại châu Âu, và cùng với Macron giám sát kế hoạch phục hồi của EU.
Theo phunuonline