G20: Indonesia kêu gọi đóng góp thêm cho Quỹ phòng chống đại dịch
Cập nhật lúc 16:04, Thứ tư, 16/11/2022 (GMT+7)
Phát biểu tại phiên thảo luận thứ hai về cấu trúc y tế toàn cầu, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh G20 đã thành công trong việc thành lập Quỹ phòng chống đại dịch.
|
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 15/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng góp thêm cho Quỹ phòng chống đại dịch.
Phát biểu tại phiên thảo luận thứ hai về cấu trúc y tế toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đang diễn ra tại Bali, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh G20 đã thành công trong việc thành lập Quỹ phòng chống đại dịch.
Ông cho rằng cần các khoản đóng góp bổ sung để quỹ hoạt động tối ưu, đồng thời thống báo Indonesia cam kết tài trợ 50 triệu USD.
Được đề xuất từ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 Italy vào năm ngoái, Quỹ phòng chống đại dịch đã ra mắt ngày 13/11 vừa qua trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia. Đây là kết quả của một loạt cuộc họp giữa các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính G20 trong suốt năm qua.
Cũng tại phiên thảo luận, lãnh đạo các nước thành viên G20 và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến cấu trúc y tế toàn cầu, cũng như các vấn đề liên quan đến Quỹ phòng chống đại dịch.
Với tư cách là một cơ chế tài chính do các nước G20 thành lập, Quỹ này sẽ nhận được sự hỗ trợ của WB với tư cách là cơ quan lưu ký quỹ, cũng như WHO với tư cách là cơ quan tư vấn liên quan đến việc sử dụng và giải ngân quỹ cho các quốc gia nhằm ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Cho đến nay, Quỹ phòng chống đại dịch đã huy động được 1,4 tỷ USD từ 24 nhà tài trợ, trong đó có 3 tổ chức từ thiện. Các quốc gia và tổ chức đã cam kết đóng góp cho Quỹ bao gồm Ủy ban châu Âu, Mỹ, Italy, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tây Ban Nha, Australia, Singapore, Na Uy, New Zealand, Ấn Độ, Hà Lan, Pháp và Nam Phi.
Trong khi đó, 3 tổ chức từ thiện này là Bill & Melinda Gates Foundation, Rockefeller và Wellcome Trust.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Saudi Arabia, Pháp và Australia dự kiến sẽ trực tiếp công bố các cam kết đối với Quỹ phòng chống đại dịch. Tổng thống Joko Widodo dẫn kết quả nghiên cứu của WHO và WB cho biết Quỹ cần ít nhất 31,1 tỷ USD mỗi năm để ngăn chặn và ứng phó với mối đe dọa của đại dịch trong tương lai.
Cũng tại hội nghị G20, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 15/11 đã công bố các cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Canada dự kiến dành 750 triệu CAD (565 triệu USD) cho một tập đoàn của nhà nước để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong ba năm, bắt đầu từ tháng 3/2023.
Đây là thỏa thuận tài trợ lớn nhất mà đảng Tự do cầm quyền đã cam kết như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sắp tới của Canada, và cũng là một phần của dự án G20 nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình có được các thành phố an toàn và bền vững hơn.
Thủ tướng Trudeau cũng cam kết dành 80 triệu CAD cho các hệ thống y tế toàn cầu, với phần lớn số tiền tài trợ đổ vào một dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm giúp các quốc gia ngăn chặn và ứng phó với đại dịch. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ các dự án giúp các nước đang phát triển sản xuất vaccine mRNA phòng COVID-19.
Tại Bali, Canada cũng đồng khởi động quan hệ đối tác với các quốc gia G7 và Bắc Âu để giúp Indonesia - một trong những nước phát thải nhiều nhất thế giới - "cai nghiện" than.
Phát biểu tại Bali, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Canada, Perrin Beatty, cho rằng Ottawa cần truyền đạt các ưu tiên thương mại của mình ở châu Á một cách "toàn diện." Theo ông, doanh nghiệp Canada cần được giúp đỡ để tận dụng nhiều hiệp định thương mại mà Ottawa đã ký kết và hiện đang đàm phán.
Giới quan sát cho rằng nhân tố địa chính trị có thể sẽ làm lu mờ những cam kết mà các nhà lãnh đạo đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh, khi các nước tranh luận về cách đối phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cùng với những thiệt hại to lớn về người, cuộc xung đột này cũng đang có những tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu./.
Theo vietnamplus