Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xu thế giảm giá đối với gạo Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Cuối tháng 7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 413 USD nhưng trong tuần đầu tháng 8 tiếp tục giảm thêm 15 USD, chỉ còn 398 USD/tấm. Trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đã đảo chiều tăng khoảng 15 USD và đạt mức 410 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất trong phân khúc gạo 5% tấm của các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á.

Giá gạo Việt và Thái 'đổi ngôi' quanh mốc 400 USD - ảnh 1

Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mất giá

CÔNG HÂN

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng công bố mức giá tương tự. Cùng với gạo 5% tấm, một số dòng gạo thơm, cao cấp của Thái Lan cũng có mức tăng trung bình từ 10 – 15 USD/tấn. Theo các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, có 2 nguyên nhân chính giúp giá gạo nước này tăng trở lại. Thứ nhất là đồng baht của Thái Lan yếu so với đồng USD giúp giá gạo Thái trở nên rẻ hơn; thứ 2 là giá gạo Thái Lan giảm mạnh và kéo dài trong tháng 7 làm tăng sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng hơn.

Trong khi đó tại Việt Nam, một số thương nhân xuất khẩu gạo xác nhận xu hướng giá tiếp tục đi xuống. Nguyên nhân do nguồn cung trên thị trường thế giới đang tốt, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nguồn cung trong nước đang tăng và xuất khẩu chậm nên giá gạo nội địa giảm bình quân từ 100 – 200 đồng/kg.

Các số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ổn định ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Riêng thị trường truyền thống Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh do chính sách “Zero Covid” của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu gạo giá rẻ từ một số nước khác. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2022 nước này đã nhập khẩu lượng gạo lớn từ Pakistan trị giá khoảng 345 triệu USD, tăng đến 96 triệu USD so với cùng kỳ. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Pakistan thường chỉ có giá khoảng 350 – 360 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam.

Theo Thanh niên