Ngày 8/3, Giám đốc điều hành Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) - bà Catherine Russell - cho biết có hơn 230 triệu bé gái và phụ nữ còn sống ngày nay đã phải trải qua FGM, so với con số 200 triệu vào năm 2016. Bà nói, dù nhiều nước có những quy định pháp luật rõ ràng về việc cấm hủ tục này nhưng xu hướng này vẫn tồn tại, thậm chí là gia tăng đáng lo ngại.

leftcenterrightdel
 Các dụng cụ để thực hiện FGM cho các em gái nhỏ ở Somalia - Ảnh: Brian Inganga/AP

“Việc cắt xén bộ phận sinh dục nữ gây tổn hại cho cơ thể các bé gái, làm mờ đi tương lai và gây nguy hiểm đến tính mạng của các em. Chúng tôi cũng đang chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại là ngày càng có nhiều bé gái bị ép phải thực hiện hành vi này ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí nhiều em bị ép phải làm thủ thuật này trước sinh nhật lần thứ năm. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực để có thể chấm dứt tập tục có hại này" - bà nói.

UNICEF cho biết, LHQ đã đặt mục tiêu loại bỏ hành vi này vào năm 2030 nhưng với những số liệu vừa thu thập được thì LHQ cần phải hành động nhanh hơn gấp 27 lần so với hiện tại mới có thể hy vọng hoàn thành sứ mệnh. Hủ tục này phổ biến trên toàn cầu, ngày càng có nhiều bé gái bị đe dọa.

FGM - liên quan đến việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục bên ngoài của phụ nữ - là hành vi vi phạm nhân quyền.  Năm 2012, LHQ đã thông qua nghị quyết cấm hủ tục này. Hiện có khoảng 60% trường hợp thực hiện FGM (144 triệu) xảy ra ở châu Phi, tiếp theo là 80 triệu trường hợp ở châu Á và 6 triệu trường hợp ở Trung Đông. Trong đó, Somalia, Guinea, Djibouti, Ai Cập, Sudan và Mali có tỉ lệ cao nhất. UNICEF cho biết, các quốc gia này đang phải giải quyết các vấn đề cấp bách khác như xung đột, cú sốc khí hậu và mất an ninh lương thực nên việc thực hiện các chương trình hỗ trợ trẻ em gái đã trở nên khó khăn hơn. 

Esnahs Nyaramba - một nhà hoạt động chống FGM ở Kenya - cho biết hiện nay cô nhận được ít cuộc gọi giải cứu hơn so với một thập niên trước. Tuy nhiên, điều này không đáng mừng, bởi hủ tục này đang được thực hiện tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Nếu trước đây, FGM thường được thực hiện theo nhóm hoặc tổ chức một lễ hội thì nay, sau khi bị lên án, hủ tục này được thực hiện khép kín. “Ở Kisii, rất khó để biết xu hướng một cách chắc chắn, vì khi đứa trẻ bị cắt thường không ai biết ngoại trừ người mẹ của đứa trẻ và người thực hiện hủ tục” - Nyaramba nói.

UNICEF cảnh báo ngày càng có nhiều gia đình chọn thực hiện FGM cho con gái họ ở độ tuổi sớm hơn, đôi khi là lúc 2 tuổi để giảm bớt tổn hại về thể chất và chấn thương tâm lý mà các bé gái phải chịu đựng. Cơ quan này cho biết, đây là một xu hướng cần được đặc biệt lưu ý giải quyết. Nimco Ali - Giám đốc điều hành của Five Foundation, tổ chức hợp tác toàn cầu nhằm chấm dứt FGM - cho biết: các tổ chức cơ sở đấu tranh để chấm dứt hủ tục ghê rợn này đang cần có thêm nhiều tài trợ để có thể hoạt động hiệu quả hơn. 

Theo phụ nữ TPHCM