Sau những ngày tháng miệt mài học tập và quãng thời gian nộp hồ sơ căng thẳng, hai học sinh Trung Quốc Haila Amin và Jingchu Lin đã hình dung khoảnh khắc trọng đại khi họ thông báo với bố mẹ rằng mình đỗ vào những trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Haila xem thông báo đỗ Đại học Virginia là một thành tựu cá nhân đáng tự hào; tương tự, được nhận vào Đại học Yale là một bước ngoặt của cuộc đời Jingchu.

Hoặc ít nhất đó là viễn cảnh Haila và Jingchu mường tượng trong đầu, trước khi cơn ác mộng mang tên Covid-19 ập đến.

"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng tình cảnh này"


Năm 2020 diễn ra theo kịch bản mà Haila, Jingchu và nhiều du học sinh Trung Quốc tại Mỹ không hề trông đợi.

Trong khi nhiều sinh viên đang ở Mỹ muốn quay về nước lại mắc kẹt vì chính sách phong tỏa xuất nhập cảnh của chính quyền hai nước, những sinh viên tương lai chuẩn bị nhập học lại mắc kẹt ở Trung Quốc và hoàn toàn mù mờ về tương lai của mình.

Những sự không chắc chắn ấy đang tạo ra tác động trên nhiều phương diện, với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Không chỉ khiến giấc mơ Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên quốc tế, những bất ổn trong nền giáo dục nước này do dịch Covid-19 có thể xói mòn quyền lực mềm còn sót lại của Mỹ đối với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc đang ngày một leo thang.

Những khuôn viên các đại học tại Mỹ vắng vẻ do đại dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Theo số liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, có hơn 360.000 du học sinh Trung Quốc theo học tại Mỹ, chiếm 1/3 lượng sinh viên quốc tế của nước này và đem về khoản thu 15 tỷ USD cho ngân sách Mỹ trong năm 2018.

Thế nhưng, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 "đổ bộ", lượng du học sinh Trung Quốc mới đến học tại Mỹ đã có dấu hiệu chững lại sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.

Nhiều trường đại học đã dự liệu rằng sự bùng nổ của số lượng du học sinh đến từ đất nước tỷ dân sẽ không kéo dài đều đặn mãi được, nhưng ít ai có thể lường hết được tác động mà những lời đe dọa về thị thực của Tổng thống Trump có thể gây ra.

“Khá chắc rằng kỳ tuyển sinh lần này không hề dễ dàng”, trợ lý phó chủ tịch phụ trách mảng quốc tế của Đại học Indiana, ông John Wilkerson, chia sẻ.

Ông John Wilkerson, trợ lý phó chủ tịch phụ trách mảng quốc tế của Đại học Indiana. Ảnh: Đại học Indiana.

Gavin Newton-Tanzer, chủ tịch công ty Sunrise International cung cấp dịch vụ trung gian giữa sinh viên Trung Quốc và các trường học quốc tế, cho biết trong vài năm trở lại đây, hầu hết gia đình Trung Quốc chọn tầm nhìn dài hạn, đánh cược rằng những căng thẳng chính trị rồi sẽ qua đi và các loại bằng cấp từ nền giáo dục Mỹ cuối cùng sẽ đem lại giá trị dài hạn.

“Nhưng rồi sẽ đến một ngưỡng nhất định, những người này sẽ dừng lại và nói ‘Thôi, vậy là đủ rồi, tôi chỉ cố đến đây thôi’”, ông Tanzer nói.

Và tình hình hiện tại có lẽ đang ngày càng gần hơn với ngưỡng đó. Thời gian cuối bậc học phổ thông, Haila và Jingchu dành phần lớn thời gian để học viết luận và chuẩn bị nộp hồ sơ, chứ không phải để tìm hiểu về sự phức tạp của chính trị giữa các cường quốc.

Haila từng ngày đêm mơ về những buổi đi ăn tại Chick-fil-A ở Charlottesville hay được xem các trận bóng rổ ở trường đại học, còn Jingchu đã đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái “Hãy trung thành với sứ mệnh của bạn” trong ngày nhận được thư trúng tuyển của Đại học Yale.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đến mức không thể phớt lờ được nữa. “Tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi tình cảnh này”, Jingchu nói.

Giấc mơ Mỹ


Haila và Jingchu gặp nhau khi hai người học cùng một trường tiểu học ở Bắc Kinh.

Haila là cô gái hướng ngoại còn Jingchu là một cậu bé ham đọc sách. Khi nhìn lại, hai người vẫn thường đùa là cả hai đều nổi tiếng vào thời điểm đó, chỉ là theo những cách khác nhau.

Ở trường tiểu học, điểm số xuất sắc thường khiến một cá nhân trở nên nổi bật, và Haila kể lại Jingchu thuộc vào kiểu nổi tiếng ấy.

Jingchu lại nhớ về hình ảnh Haila là một người hướng ngoại và thích giao lưu, cậu trêu cô là người “nổi tiếng kiểu Mỹ”.

Haila được Jingchu nhận xét là người "nổi tiếng kiểu Mỹ" khi còn học tiểu học. Ảnh: Washington Post.

Năm 2002, khi Haila sinh ra, chỉ có gần 65.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ. Khi cô bước vào bậc trung học cơ sở vào năm 2014, con số đó đã tăng lên trên 300.000.

Nhiều gia đình Trung Quốc định hướng con theo đuổi nền giáo dục ở Mỹ một phần vì khả năng tài chính được cải thiện, cho phép họ chi trả chi phí khi theo học ở nước ngoài, một phần vì kỳ thi Cao khảo của Trung Quốc được đánh giá là kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất trên thế giới.

Những trường đại học tại Mỹ có cách tuyển sinh và đào tạo linh hoạt hơn, học phí cao nhưng bằng cấp từ những trường này thường được coi là xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Do đó, rất nhiều học sinh Trung Quốc thường mơ về viễn cảnh theo học tại một đại học tại Mỹ, trong đó có Haila. Cuối năm 2014, cô bé đang học trung học cơ sở quyết định bắt đầu giấc mơ Mỹ của mình.

Năm 2015, Haila chuyển đến một trường tư thục ở Virginia, Mỹ. “Hồi đó, tôi nghĩ nước Mỹ là quốc gia cực kỳ thịnh vượng, ai cũng tốt bụng và giàu có”, cô hồi tưởng.

Tuy nhiên, thực tế lại khác. Cô thích rất nhiều thứ ở Mỹ, nhưng lại nhớ da diết Bắc Kinh. Sau một năm rưỡi, cô quay trở về Trung Quốc.

Khi về nước, Haila theo học tại phân hiệu quốc tế của một trường trung học địa phương và đặt mục tiêu quay trở lại Mỹ, lý tưởng nhất là Virginia, nơi cô đã có một số bạn bè. “Ngay khi vừa về Trung Quốc, tôi đã lập tức muốn quay lại Mỹ”, cô kể lại.

Jingchu, bạn cũ của Haila, cũng nhanh chóng đi theo con đường tương tự.

Jingchu, người bạn thuở ấu thơ của Haila. Ảnh: Washington Post.

Sau khi hoàn thành bậc tiểu học, Jingchu chọn vào một trong những trường trung học cơ sở tốt nhất Bắc Kinh.

Ban đầu, cậu nghĩ rằng mình sẽ hướng đến những đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa để tiếp bước những học giả và vĩ nhân thế hệ trước.

Nhưng vào năm cuối của bậc trung học cơ sở, Jingchu bắt đầu suy nghĩ về sự tự do bản thân sẽ có nếu theo học ở những nơi khác, cậu thậm chí còn nhận được sự động viên từ mẹ. “Mẹ thuyết phục tôi rằng hệ thống giáo dục Mỹ tốt hơn Trung Quốc”, cậu nhớ lại.

Jingchu chọn học tại một phân hiệu quốc tế một trường trung học hàng đầu và đặt mục tiêu lọt vào khối Ivy League - nhóm 8 đại học danh tiếng nhất ở Mỹ.

Những dấu hiệu rắc rối đầu tiên


Trong một vài năm, Haila và Jingchu vẫn giữ liên lạc theo cách mà nhiều người trẻ vẫn hay làm: theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội của nhau nhưng không nói chuyện nhiều.

Mùa hè năm 2018, hai người gặp lại nhau tại chương trình đào tạo học thuật hè do Đại học Yale thuộc Ivy League tổ chức (YYGS).

“Đó là kiểu chương trình cố gắng kiếm tiền từ học sinh Trung Quốc”, Jingchu nói đùa.

Một sự kiện trong khuôn khổ chương trình đào tạo học thuật hè do Đại học Yale tổ chức năm 2018. Ảnh: Trung tâm Yale Bắc Kinh.

Cung cấp các dịch vụ giáo dục cho học sinh Trung Quốc thời điểm đó là một ngành kinh doanh khổng lồ nhưng đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của sự chững lại.

Một trong số vấn đề là yếu tố chính trị.

Những tuyên bố về việc siết chặt quy định nhập cư của Tổng thống Trump khiến nhiều phụ huynh Trung Quốc lo lắng về vấn đề thị thực và tìm việc làm cho con khi theo học tại Mỹ.

Thời điểm đó, Haila, Jingchu cùng nhiều học giả trẻ khác đang tìm hiểu tình hình châu Á trong thế kỷ 21 dưới sự hướng dẫn của các giảng viên từ Đại học Yale. Năm 2018 cũng đánh dấu sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nhiều sinh viên Trung Quốc phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mâu thuẫn này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút ngắn thời hạn thị thực của nhiều sinh viên Trung Quốc đang theo học một số ngành nhất định với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Tổng thống Trump thậm chí từng cáo buộc rằng hầu hết du học sinh Trung Quốc tại Mỹ đều là gián điệp.

Mùa thu 2018, khi Haila và Jingchu bước vào bậc phổ thông, những thông tin về việc Mỹ cân nhắc cấm hoàn toàn du học sinh Trung Quốc lan truyền nhanh chóng, khiến hai người lo lắng.

Jingchu và Haila chỉ còn biết cúi đầu xuống và tiếp tục nỗ lực. Họ đã dành nhiều năm theo đuổi con đường đến với nền giáo dục Mỹ.

"Đừng đến Mỹ"


Ngày 26/3, Jingchu thức suôt 24 tiếng đồng hồ liền để chờ kết quả từ các trường đại học Mỹ mà cậu đã nộp vào: Duke, Cornell và Yale.

Khi thấy thông báo trúng tuyển, cậu vui mừng hét toáng lên thông báo cho bố mẹ, gọi điện cho hiệu trưởng để báo tin, sau đó đăng lên WeChat về việc đậu vào đại học danh giá của Mỹ.

Khi nhận được thư báo trúng tuyển của Đại học Yale, Jingchu ngỡ rằng mình đã có thể tự định đoạt số phận của bản thân. Ảnh: Washington Post.

Jingchu nhớ lại cậu đã nghĩ rằng: “Giờ đây, tôi có thể định đoạt cuộc đời mình”. Sau đó, cậu gọi một chiếc pizza ăn mừng rồi chìm vào giấc ngủ say vì kiệt sức.

Đối với Haila, khoảnh khắc sảng khoái và nhẹ nhõm không đến ngay như cô tưởng tượng.

Cuối tháng 3, Haila được nhận vào Đại học California tại Santa Barbara, một trong những lựa chọn ưu tiên của cô. Đồng thời, Haila cũng lọt vào danh sách chờ của trường đại học mà cô mong muốn theo học nhất.

“Ổn rồi, họ không từ chối mình”, cô nghĩ.

Vài ngày sau, Haila nhận được lời đề nghị tham gia một chương trình liên kết giữa Đại học Columbia, Mỹ và Sciences Po ở Pháp. Trước đó, Haila nộp đơn tham gia chương trình này như một phương án dự phòng “cho vui”.

Đại học Yale danh tiếng, nơi Jingchu sẽ theo học trong 4 năm tới. Ảnh: Washington Post.

Haila từng trông ngóng ngày trở lại Virginia, nơi cô từng học phổ thông, nhưng tình hình Covid-19 hoành hành tại Mỹ khiến cô cân nhắc về lựa chọn ưu tiên của mình.

Ban đầu, Haila sốt ruột chờ đợi kết quả từ Đại học Virginia, nhưng khi truyền thông Trung Quốc đều đặn đưa tin về những diễn biến ngày càng xấu đi của đại dịch tại Mỹ, cô bắt đầu tự hỏi liệu quay lại xứ cờ hoa có phải là một lựa chọn an toàn hay không.

Không chỉ lo ngại về vấn đề sức khỏe, thái độ chống người châu Á tại Mỹ vào thời điểm đó cũng là một rào cản. Gia đình Haila thậm chí còn khuyên cô “đừng đến Mỹ, đi đâu cũng được, nhưng đừng đến Mỹ”.

Haila quyết định không đợi kết quả từ Đại học Virginia nữa mà chọn chương trình liên kết Columbia-Sciences Po với hai năm đầu theo học tại Pháp.

Lựa chọn này giúp Haila tránh được sự hỗn loạn mà dịch Covid-19 gây ra tại Mỹ, đồng thời tiết kiệm được hàng chục nghìn USD cho hai năm học đầu tiên mà vẫn giúp Haila có được tấm bằng đại học của Mỹ mà cô vẫn mong ước.

Haila báo tin mừng lên WeChat, giống như cô hình dung trước đây, nhưng cảm giác có chút tiếc nuối. “Tôi thực sự muốn tới Đại học Virginia”, Haila nói.

Vào tháng 6, quá trình xin thị thực vào Mỹ rất khó khăn, các chuyến bay di chuyển giữa hai nước trở nên khan hiếm. Jingchu nhận ra rằng có thể cậu sẽ không đến được New Haven, Connecticut vào mùa thu.

Trong khi đó, Haila đang chuẩn bị cho hành trình sắp tới ở Pháp của mình.

“Lãnh sự quán Pháp đã mở cửa rồi đấy”, cô nói với người bạn đã đậu vào Đại học Yale của mình.

“Tớ ghen tị thật đấy”, Jingchu nói.

Hy vọng và hối tiếc
Mùa hè đến, đại dịch tái bùng phát với làn sóng lây nhiễm mới khiến Bắc Kinh phải ban bố tình trạng giãn cách xã hội trở lại còn Mỹ thì chứng kiến số ca nhiễm mới và ca tử vong tăng đột biến.

Ngày 1/7, Đại học Yale thông báo sẽ mở cửa trở lại vào mùa thu với sự kết hợp của các lớp học trực tuyến và các lớp tổ chức trên giảng đường.

Jingchu hoàn toàn bối rối không biết làm thế nào cậu có thể đến Mỹ, thậm chí còn không chắc bản thân có muốn đến trường hay không.

Cha mẹ Jingchu rất lo lắng về ý định đến New Haven của cậu. Nhưng Jingchu không muốn lỡ mất một năm vì theo cậu khoảng thời gian đó sẽ chỉ “kéo dài sự mù mờ”. Do đó, cậu nghĩ rằng các lớp học trực tuyến, dẫu chênh lệch múi giờ, vẫn là phương án khả dĩ.

Vài ngày sau, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sinh viên nước ngoài sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ nếu chỉ tham gia các khóa học trực tuyến.

Quy định này sau đó đã được gỡ bỏ sau làn sóng phản đối của cộng đồng du học sinh quốc tế tại Mỹ, song chỉ thị mới của ICE dường như ám chỉ rằng sinh viên nước ngoài có thể sẽ bị trục xuất nếu trường học của họ chưa mở cửa trở lại.

“Điều này thật kinh khủng”, Jingchu nói.

 

Theo ZING