Theo thông lệ, hằng năm, danh sách đề cử của giải Nobel Văn chương sau 50 năm sẽ được công bố. Từ đó đến nay, danh sách đề cử từ năm 1901 – 1972 đã được tiết lộ. Theo đó, đã có hơn 800 nhà văn đến từ nhiều nơi trên thế giới được đề cử, và có 68 cá nhân đã được vinh danh.
|
|
Các nhà văn Jorge Amado, William Golding, Romain Gary, Lâm Ngữ Đường, Alberto Moravia cũng nằm trong danh sách đề cử |
Năm 1973, chiến thắng thuộc về nhà văn người Úc - Patrick White vì “nghệ thuật kể chuyện mang tính sử thi và khả năng khai thác tâm lý sâu sắc, giúp đưa một lục địa mới vào thế giới văn chương”. Ông là người Úc đầu tiên và duy nhất nhận được giải này. Tại Việt Nam, tác phẩm Cây người của ông đã được ra mắt.
Patrick White lần đầu tiên được đề cử vào năm 1968 bởi Muriel Clara Bradbook, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Cambridge. Từ đó trở đi, ông đã trở thành người được đề cử hằng năm cho đến khi được vinh danh sau đó. Năm 1973, ông được các học giả, giáo sư văn chương từ Úc, New Zealand và Phần Lan tiến cử.
|
|
Tiểu thuyết gia người Úc Patrick White và tác phẩm Cây người |
Theo danh sách đã được công bố, có hơn 100 nhà văn đã được xem xét, thảo luận vào mùa giải này. Năm 1973 được ghi nhận là thời điểm có số lượng đề cử cao thứ 2 trong lịch sử giải thưởng, chỉ sau năm 1969 tính cho đến khi danh sách được tiết lộ.
Một điều đặc biệt là số lượng đề cử cao nhất - 32 - trong năm 1973 lại thuộc về Elie Wiesel - tác giả người Do Thái, nổi tiếng với các tác phẩm viết về thời kỳ diệt chủng của Đức Quốc xã. Tuy ông không được vinh danh ở Nobel Văn chương ngay cả sau này, nhưng đã chiến thắng Nobel Hòa bình năm 1988. Tác phẩm Đêm của ông đã được chuyển ngữ và giới thiệu ở Việt Nam.
|
|
Tiểu thuyết gia Elie Wiesel và tác phẩm Đêm |
Năm này cũng có 18 tác giả được đề cử lần đầu, nổi bật nhất có thể kể đến Henry Miller, Vicente Aleixandre (được trao giải vào năm 1977) và Isaac Bashevis Singer (được trao giải vào năm 1978). Người lớn tuổi nhất được đề cử là nhà thơ người Estonia - Marie Under ở tuổi 90, và người trẻ nhất là nhà văn Phần Lan - Hannu Salama ở tuổi 37 tuổi).
Có 6 nữ tác giả được đề cử, bao gồm “tiếng nói lớn của phong trào nữ quyền” Simone de Beauvoir, 2 nữ tác giả đã chiến thắng sau này - Nadine Gordimer (1991), Doris Lessing (2007), cũng như các tác giả khác, gồm Indira Devi Dhanrajgir Zenta Mauriņa (Ấn Độ) và Marie Under (Estonia). Tiểu thuyết gia Ấn Độ Tarasankar Bandyopadhyay cũng được đề cử vào thời điểm này dù đã qua đời vào năm 1971. Trong hơn 70 năm tiết lộ danh sách đề cử, có 75 phụ nữ từng được đề cử và có 8 người được vinh danh.
Trong số tất cả đề cử, tính cho đến nay, chỉ có nhà thơ Ukraine - Lina Kostenko (sinh 1930) được đề cử năm 1967, tác giả Phần Lan - Hannu Salama (sinh năm 1936) được đề cử năm 1969 và nhà thơ Ấn Độ Indira Devi Dhanrajgir (sinh năm 1929) được đề cử năm 1973 hiện còn sống.
Danh sách nói trên cũng gồm rất nhiều những cái tên lớn và quen thuộc với độc giả Việt Nam, như Jorge Amado (Brazil), Saul Bellow (Canada – Mỹ), Jorge Luis Borges (Argentina), Friedrich Dürrenmatt (Thụy Sỹ), Romain Gary (Pháp), William Golding (Anh), Graham Greene (Anh), Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc), Alberto Moravia (Ý), Vladimir Nabokov (Nga – Mỹ)…
Chủ tịch Ủy ban Văn chương Nobel vào thời điểm đó - Karl Ragnar Gierow, cho biết đã thống nhất về việc trao giải cho Patrick White. Đứng ngay sau đó là Saul Bellow với 5 phiếu, Yiannis Ritsos với 4 phiếu, Anthony Burgess, William Golding và Eugenio Montale mỗi người có 3 phiếu.
Trước đó, nhà thơ Vũ Hoàng Chương và nhà báo Hồ Hữu Tường cũng được đề cử lần lượt vào năm 1972 và 1969.
Vào năm 1973, ông Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình cùng Ngoại trưởng Mỹ - Henry Kissinger sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Tuy nhiên ông đã từ chối nhận giải. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt tính cho đến nay.
Theo Thanh niên