Quy định bắt buộc giáo viên xét nghiệm chất gây nghiện đã gây làn sóng chỉ trích tại Hàn Quốc – REUTERS

The Korea Times ngày 6.7 đưa tin, trong năm nay, 20.000 giáo viên tại các trường công lập tại Hàn Quốc dự kiến phải làm xét nghiệm thuốc tetrabromophenolphthalein ethyl ester (TBPE), một loại thuốc gây nghiện, theo quy định trong Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học được Quốc hội thông qua hồi tháng 12.2020. Luật sửa đổi nhằm mục đích tăng cường giám sát giáo viên trường công lập trong bối cảnh số vụ phạm tội liên quan đến chất gây nghiện gia tăng trong những năm gần đây.

"Bị đối xử như kẻ nghiện"

Một giáo viên tiểu học ở độ tuổi 20 họ Lee sống ở tỉnh Gyeonggi gần đây đã phải làm xét nghiệm chất gây nghiện lần đầu tiên trong đời.

"Thật khó chịu khi tôi bị đối xử như một kẻ nghiện ma túy khả nghi", cô nói với The Korea Times. "Tôi chỉ được thông báo là phải giao kết quả xét nghiệm trước ngày 17.7, ngoài ra không có bất kỳ hướng dẫn nào về địa điểm xét nghiệm hay liệu tôi có được nghỉ phép hay không". Cô ấy đã phải tự trả tiền cho buổi xét nghiệm khoảng 40.000 won (810.000 đồng), sau khi được thông báo sẽ không được chính phủ hỗ trợ.

Vài ngày sau, phòng giáo dục khu vực lại thay đổi lập trường và nói rằng cô nên giữ hóa đơn và sẽ được hoàn trả tiền sau. Điều đó chỉ ra rằng chính sách này không được kỹ càng và gây ra sự nhầm lẫn cho các giáo viên.

Bộ Giáo dục sau đó thông qua việc xét nghiệm chất gây nghiện như một yêu cầu mới đối với những người muốn lấy chứng chỉ giáo viên.

Theo hệ thống hiện hành, cử nhân đại học sư phạm được cấp chứng chỉ hạng 2, đủ điều kiện tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực giáo viên quốc gia được tổ chức hàng năm. Ngoài ra, giáo viên có hơn 3 năm kinh nghiệm có thể nhận được chứng chỉ hạng 1 sau khi trải qua 200 giờ đào tạo tại chức, điều này mở ra nhiều cơ hội thăng tiến và tăng lương.

Việc xét nghiệm chất gây nghiện là bắt buộc đối với cả những người nộp đơn xin cấp chứng chỉ hạng 1 và 2. Những giáo viên đã đạt chứng chỉ hạng 1 thì không phải xét nghiệm.

Làn sóng chỉ trích

Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía giáo viên. Họ cho rằng nhà nước coi giáo viên công lập như những kẻ nghiện ma túy tiềm tàng và đang yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục sửa đổi chính sách này.

Người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Seoul, Park Keun-byeong cho biết: "Các nhân viên y tế có công việc liên quan trực tiếp đến các chất gây nghiện như bác sĩ, y tá và bác sĩ thú y chỉ cần thực hiện xét nghiệm chất gây nghiện một lần khi họ đăng ký xin cấp giấy phép hành nghề, vậy mà giáo viên lại bị bắt phải xét nghiệm hai lần. Đây là một biện pháp không công bằng, tạo ra nhận thức sai lầm rằng giáo viên có khả năng lạm dụng chất gây nghiện hơn các nhóm nghề nghiệp khác”.

Một giáo viên giấu tên tại một trường tiểu học ở Seoul cho biết: "Tôi đồng ý rằng giáo viên phải có tiêu chuẩn hành vi đạo đức cao hơn các nghề khác, nhưng điều khiến tôi khó chịu là sự thiếu khả năng truyền đạt từ các cơ quan giáo dục".

Liên đoàn giáo viên Gyeonggi với khoảng 100.000 thành viên đã yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục sửa đổi quy định "vô lý" này. Liên đoàn này cũng chỉ trích việc các cơ quan giáo dục thiếu hỗ trợ cơ bản cho giáo viên như xét nghiệm miễn phí hoặc đảm bảo ngày nghỉ có trả lương để làm xét nghiệm.

Sau khi vấp phải nhiều chỉ trích, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định thực hiện cuộc xét nghiệm chất gây nghiện miễn phí và đảm bảo rằng các giáo viên có thể nghỉ một ngày có lương để làm xét nghiệm. Bộ cho biết việc xét nghiệm chất gây nghiện này sẽ được đưa vào bài kiểm tra sức khỏe hàng năm của giáo viên bắt đầu từ năm sau.

Theo thanhnien