Giờ cao điểm chiều tối 24/2, các nhà hàng đồ Hàn Quốc trên phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) thưa vắng khách. Ảnh HH
Vài năm trở lại đây, người Hàn Quốc làm việc, sinh sống tại Hà Nội ngày một đông hơn và hình thành các "phố Hàn Quốc". Các tuyến phố tập trung số lượng lớn người Hàn Quốc cư trú như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân thuộc khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (tiếp giáp quận Cầu Giấy - Thanh Xuân); hay các chung cư dọc đường Trần Duy Hưng; đặc biệt là khu vực Mỹ Đình - Sông Đà (thuộc quận Nam Từ Liêm) với hàng ngàn người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tập trung tại các chung cư, khu đô thị mới…
Tuy nhiên, vài ngày qua, những "phố Hàn Quốc" này trở nên thưa vắng, ít người qua lại hơn sau khi có thông tin Hàn Quốc trở thành ổ dịch SARS-CoV-2 thứ 2 sau Trung Quốc. Tại tuyến phố Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) có nhiều nhà hàng đồ ăn phục vụ người Hàn Quốc vẫn sáng đèn nhưng lại thưa thớt khách dù đang giờ cao điểm bữa tối. Một vài người Hàn Quốc bịt khẩu trang kín mít, vội vã đi mua đồ ăn mang về, hạn chế tập trung đông người ở các hàng quán.
Chị Nguyễn Thị Thu, quản lý Nhà hàng BBQ Hàn Quốc, tại lô B6 Nguyễn Thị Định, cho biết: Từ sau Tết Âm lịch vừa qua, ảnh hưởng dịch SARS-CoV-2, nhà hàng bị sụt giảm tới 60% lượng khách so với trước. Đặc biệt là từ cuối tuần vừa qua, khi thông tin Hàn Quốc tăng rất nhanh số người bị nhiễm và chết do SARS-CoV-2 thì "phố Hàn Quốc" càng thưa vắng người hơn; lượng khách sụt giảm tới 80%. Nhà hàng bị giảm doanh thu chưa từng thấy. "Khi chưa có dịch, tổng thu trung bình tới 60 triệu đồng/ngày; nhưng mấy ngày gần đây, có ngày chỉ được… 2 triệu đồng", chị Thu ngao ngán nói.
Theo tìm hiểu, những người Hàn Quốc hay Trung Quốc ở khu vực này không bị "phân biệt đối xử" hoặc bị từ chối tiếp đón. Chị Phạm Thị Linh, nhân viên nhà hàng Gimbab Hàn Quốc Trần Duy Hưng, cho biết: Khách hàng người Hàn hay người nước ngoài đến, nhân viên vẫn đón tiếp, không phân biệt. Mặc dù ai cũng lo sợ dịch bệnh khó lường, nhưng vì là công việc, "miếng cơm manh áo nên nhân viên đành phải sống chung với nỗi lo dịch bệnh".
Linh cũng cho biết thêm, ở giữa khu "phố Hàn Quốc" hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, bản thân nhân viên phải tự chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan, bảo vệ bản thân. Nhà hàng cũng bắt buộc toàn bộ nhân viên đeo khẩu trang suốt ca làm; thường xuyên rửa tay, sát khuẩn. Đặc biệt, khi giao tiếp với khách phải cách xa tối thiểu 1 mét và không được bắt tay…
Nhân viên Nhà hàng BBQ Hàn Quốc tại lô B6 Nguyễn Thị Định ngồi chơi dài vì vắng khách. Ảnh HH
Chung tay phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ở địa bàn có nhiều người Trung Quốc, Hàn Quốc sinh sống, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ của Thủ đô triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội như facebook, zalo tuyên truyền kỹ năng phòng chống dịch cho hội viên và nhân dân.
Tính đến trung tuần tháng 2, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã phát miễn phí hơn 70.000 khẩu trang, gần 5.000 chai nước rửa tay, hơn 7.000 bánh xà phòng tới người dân, chú trọng nhóm phụ nữ yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do và tại các điểm công cộng, cán bộ cơ quan, nơi tập trung đông người, bệnh viện, đường phố…
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng khẩu trang đúng cách, tích cực phối hợp với ngành Y tế tổ chức 150 hội nghị tuyên truyền kiến thức, cách phòng chống dịch SARS-CoV-2 tới cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; thành lập các đội xung kích, nhóm nòng cốt tuyên truyền phòng chống dịch, điểm tuyên truyền lưu động…
Cùng với đó, phối hợp với các tổ dân phố phát 500.000 tờ rơi đến tay từng người dân trong khu dân cư; niêm yết tờ rơi tại nhiều điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn, công sở, trụ sở cơ quan, điểm lưu trú…
Tổ chức gần 800 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các nơi công cộng, khu dân cư, tại các hộ gia đình, ngõ phố, trường học, tại các chợ trên địa bàn, tham gia phun thuốc khử trùng tại các trường học và một số điểm trên địa bàn...
Theo thống kê, chỉ riêng quận Nam Từ Liêm có hơn 9.000 người Hàn Quốc sinh sống; trong đó tạm trú dài hạn là hơn 8.000 người, sống rải rác ở 10 phường. Người Hàn Quốc sống tập trung chủ yếu ở phường Mỹ Đình 1 với hơn 3.000 người; phường Mễ Trì có hơn 4.000 người. |
Người dân khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần liên lạc ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị hoặc liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế 19003228/19009095 hoặc đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội 0969082115/ 0949396115. |
PVH