Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại các khu vực quanh nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Hàn Quốc những ngày gần đây đã tăng mạnh trở lại trong bối cảnh các ổ dịch liên quan đến các nhà thờ ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận không có dấu hiệu suy giảm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 18/8 thông báo thêm 246 ca mắc COVID-19, trong đó 235 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 15.761 người.

Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức ba con số.

Trong số các ca nhiễm mới, có 131 ca ở thủ đô Seoul, 52 ca ở tỉnh Gyeonggi và 18 ca ở thành phố Incheon vùng phụ cận Seoul.

Theo KCDC, số ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến Nhà thờ Sarang Jeil ở phía Bắc thủ đô Seoul đã tăng mạnh lên mức 438 ca tính đến sáng 18/8, trong khi các trường hợp liên quan đến Nhà thờ Woori Jeil ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, phía Nam Seoul cũng tăng lên 131 ca.

Ngoài ra, có 13 người bệnh COVID-19 đã được xác nhận bị lây nhiễm từ một cửa hàng Starbucks ở thành phố biên giới Paju, tỉnh Gyeonggi, nâng tổng số trường hợp liên quan đến cửa hàng càphê này lên 42 ca.

Như vậy, tới nay ổ dịch liên quan tới Nhà thờ Sarang Jeil là ổ dịch lớn thứ 2 tại Hàn Quốc sau ổ dịch liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa, với 5.214 ca mắc, chủ yếu ở thành phố Daegu được phát hiện hồi tháng 2 vừa qua.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/8. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

 

Giới chức lo ngại số ca mắc bệnh liên quan tới Nhà thờ Sarang Jeil sẽ tiếp tục tăng. Hiện khoảng một nửa tổng số 4.000 thành viên nhà thờ này đã được xét nghiệm, trong đó 16% có kết quả dương tính.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo đánh giá tình hình hiện tại rất nghiêm trọng nên giới chức đang xem xét áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn ngừa lây nhiễm để ngăn chặn nguy cơ một đợt bùng phát lây lan trên toàn quốc.

Nếu hết tuần này tình hình dịch bệnh tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận không được kiểm soát hoặc diễn biến xấu đi thì chính phủ sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch, nâng giãn cách xã hội lên mức 3 nếu tình hình "đặc biệt xấu đi nghiêm trọng."

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 17/8 thông báo tạm thời không cho phép các quân nhân rời căn cứ để nghỉ phép hay vì những mục đích khác, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trong các doanh trại.

Bắt đầu từ ngày 19/8 đến hết tháng, tất cả binh sỹ và sỹ quan quân đội sẽ không được phép đi nghỉ mát và rời căn cứ, đồng thời hủy tất cả các sự kiện hội họp chính thức hay tụ tập cá nhân.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng thông báo trong ngày 18/8 có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 thuộc lực lượng này, gồm một binh sĩ lục quân đồn trú tại Gapyeong, phía Nam thủ đô Seoul và một nhân viên dân sự làm việc trong một đơn vị tình báo quân đội.

Tổng số ca mắc COVID-19 trong quân đội Hàn Quốc hiện là 88 trường hợp.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) ngày 18/8 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 22 ca mắc mới đều là các ca bệnh nhập cảnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, không có ca nghi nghiễm hay tử vong vì COVID-19 tại quốc gia khởi phát dịch bệnh này. Đa số các ca nhập khẩu mới phát hiện tập trung ở Thượng Hải, 14 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Tính đến cuối ngày 17/8, tổng số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục là 84.871 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 79.642 người đã xuất viện, 4.634 người đã tử vong, 595 người đang được điều trị, trong đó có 27 ca bệnh nặng.

Theo NHC, hiện vẫn còn 18.473 người từng tiếp xúc gần với các ca bệnh đang được theo dõi y tế.

Cùng ngày, bang Victoria, bang đông dân thứ 2 tại Australia, ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức thấp nhất trong 1 tháng qua, thắp lên hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai đang dần lắng dịu.

Cụ thể, có 222 ca mắc mới tại bang Victoria, ít hơn 60 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong mới ghi nhận là 17 ca, cũng ít hơn so với 25 ca ghi nhận ngày 17/8 - mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học lớn nhất của Australia CSL Ltd thông báo đang đàm phán với AstraZeneca về khả năng đưa loại vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng mà hãng dược của Anh này đang phát triển về sản xuất tại Australia.

Bảng khuyến nghị các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 tại một trung tâm thương mại ở Sydney, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Ngày 16/8, Chính phủ Australia thông báo sắp đạt thỏa thuận cho phép sản xuất vắcxin phòng COVID-19 tại Australia trong năm 2021.

Hai tuần trước đây, nhà chức trách bang Victoria đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm tại bang này, siết chặt các hạn chế đối với hoạt động đi lại của người dân và tạm dừng phần lớn các hoạt động kinh tế của bang sau khi liên tiếp phát hiện các ổ dịch ở thành phố Melbourne.

Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã giúp kiềm chế và giảm dần số ca mắc mới có thời điểm từng lên tới 700 ca/ngày hồi đầu tháng này.

Tới nay, Australia ghi nhận tổng cộng hơn 23.500 ca mắc trong đó có 438 ca tử vong, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển khác.

Cùng ngày, New Zealand thông báo phát hiện thêm 13 ca mắc mới trong 24 giờ qua, cao hơn con số 9 ca ghi nhận một ngày trước đó.

Hiện New Zealand đang đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với một đợt bùng phát mới tại thành phố Auckland lớn nhất ở quốc gia Thái Bình Dương này.

Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị tại Auckland, New Zealand. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Giới chức y tế New Zealand cho biết 12 ca mới phát hiện đều liên quan một ổ dịch ở Auckland. Hiện thành phố 5 triệu dân này vẫn đang áp dụng biện pháp phong tỏa, trong khi một số thị trấn và thành phố khác cũng đang thực hiện các quy định giãn cách xã hội.

Việc virus xuất hiện trở lại tại New Zealand, quốc gia nằm biệt lập ở Thái Bình Dương đã đóng cửa biên giới quốc tế và áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới để ngăn chặn dịch, đến nay vẫn là một câu hỏi lớn.

Ca bệnh được phát hiện sớm nhất tại New Zealand trong đợt bùng phát mới là một người đàn ông 50 tuổi làm việc ở một cửa hàng thực phẩm đông lạnh có chủ sở hữu tại Mỹ.

Các xét nghiệm những ca mắc mới đều cho thấy đây là chủng virus mới, có thể bắt nguồn từ Australia hoặc Anh. Dù chưa có thông tin chính thức về nguồn gốc virus mới xuất hiện tại New Zeland nhưng Giám đốc Y tế New Zealand - Tiến sỹAshley Bloomfield - ngày 17/8 cho biết các kết quả truy dấu cho tới nay đều chỉ ra nguồn lây virus không liên quan thực phẩm đông lạnh.

Ngay sau khi công bố các ca mắc mới sau 102 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ New Zealand đã triển khai các biện pháp hạn chế theo khu vực, đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng lên mức chưa từng có.

Người dân Auckland và một số thành phố khác liên tục được khuyến cáo đeo khẩu trang ở nơi công cộng, các biện pháp kiểm tra y tế tại biên giới, sân bay và cảng biển được đẩy mạnh trong khi các nhân viên phục vụ tại các điểm cách ly cũng được xét nghiệm thường xuyên hơn, công nghệ truy dấu tiếp xúc cũng nhanh chóng được cải thiện và các doanh nghiệp được yêu cầu sử dụng mã QR bắt buộc.

Dịch COVID-19 trở lại khiến Chính phủ New Zealand quyết định lùi thời điểm tổng tuyển cử từ giữa tháng 9 sang giữa tháng 10 tới.

Tới nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng 1.300 ca mắc COVID-19, trong đó có 22 ca tử vong.

Theo Vietnamplus