leftcenterrightdel
 Hàn Quốc dự kiến trải qua mùa hè nóng nhất từ trước đến nay. Ảnh:Xinhua.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) đã ban hành cảnh báo và khuyến cáo về nắng nóng đối với hầu hết khu vực tại nước này vào hôm 28/7, ngoại trừ một số vùng núi của tỉnh Gangwon và đảo Jeju, theo Korea Times.

Thông thường, cảnh báo về đợt nắng nóng sẽ được ban hành nếu nhiệt độ cao nhất hàng ngày là 35 độ C hoặc cao hơn, kéo dài liên tục hơn 2 ngày.

Cảnh báo này cũng được ban hành khi có lo ngại rằng đợt nắng nóng kéo dài gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều khu vực.

"Đêm nhiệt đới" tăng lên

Seoul đã được cảnh báo về đợt nắng nóng kể từ hôm 25/7. Nhiệt độ thấp nhất tại khu vực này từ đêm 27/7 đến sáng 28/7 là 27,3 độ C (theo giờ địa phương).

KMA cho biết đợt nắng nóng này tiếp diễn do nhiệt độ cao và áp cao khô - có nguồn gốc từ Tây Tạng - nằm ở tầng trên của bầu khí quyển Hàn Quốc, trong khi áp cao Bắc Thái Bình Dương và các cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc ảnh hưởng đến tầng giữa và tầng thấp cùng lúc, mang đến luồng không khí nóng ẩm.

leftcenterrightdel
 Bãi biển Hamdeok ở đảo nghỉ dưỡng phía nam Jeju đông đúc người vào hồm 28/7. Ảnh:Yonhap. 

Hàn Quốc đang chứng kiến số lượng đêm nhiệt đới tăng lên trên toàn quốc trong điều kiện thời tiết này.

Đêm nhiệt đới là hiện tượng nhiệt độ thấp nhất vào buổi tối từ lúc 18h hôm trước tới 9h ngày hôm sau không xuống dưới 25 độ C. Cục Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc từng giải thích hiện tượng này kéo dài là do nắng nóng khiến bề mặt Trái Đất nóng lên vào ban ngày và không thể hạ hết nhiệt vào ban đêm.

Tính đến hôm 25/7, Hàn Quốc trải qua trung bình 4,9 ngày có đêm nhiệt đới trong năm nay.

Con số này lớn hơn 1,8 ngày - mức trung bình hàng năm tính đến ngày 25/7 từ 1991 đến 2020. Nó thậm chí còn cao hơn mức 4,1 ngày được ghi nhận vào năm 2018 - khi Hàn Quốc hứng chịu mức nắng nóng kỷ lục.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có 856 trường hợp mắc bệnh liên quan đến nhiệt từ ngày 20/5 đến ngày 26/7. Trong số đó, 253 trường hợp được ghi nhận chỉ trong 5 ngày, từ 22/7 đến 26/7.

KDCA đang được đặt trong tình trạng báo động cao vì số ca bệnh liên quan đến nhiệt có thể vượt quá con số từng ghi nhận năm 2018.

Vào thời điểm đó, đợt nắng nóng kỷ lục, được nhận định là chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ, khiến 4.526 người phải điều trị vấn đề về sức khỏe liên quan đến nhiệt.

"Người dân được khuyên không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h vào những ngày có cảnh báo và khuyến cáo về sóng nhiệt, đồng thời nên uống nước thường xuyên", KDCA cho biết trong tuyên bố.

Vào tháng trước, KMA cho biết Hàn Quốc ghi nhận nhiệt độ trung bình tháng 6 cao nhất kể từ khi dữ liệu thời tiết được ghi nhận lần đầu tiên cách đây 52 năm, theo Korea Herald.

leftcenterrightdel
 Con đường nóng hầm hập ở Seoul vào năm 2021 khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 31,5 độ C. Ảnh:Yonhap.  

Nắng nóng như thiêu đốt ở nhiều nơi trên thế giới

Không chỉ tại Hàn Quốc, nhiều nơi trên thế giới cũng chứng kiến sóng nhiệt khắc nghiệt.

Nhật Bản đang trong đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè. Chính quyền nước này đã kêu gọi người dân tránh hoạt động thể chất và ra ngoài trong ngày nắng nóng.

“Những nơi trú ẩn làm mát” đã được dựng lên xung quanh Tokyo để cung cấp nơi tránh nóng, theo Guardian.

Hisako Ichiuji (60 tuổi) - đang nghỉ ngơi tại "nơi trú ẩn làm mát" gần Tháp Tokyo - mô tả cái nóng là “trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng”.

Những nơi trú ẩn này là một phần của chương trình được thông qua trong năm nay, nhằm cho phép người dân vào thư viện và tòa nhà công cộng trang bị máy điều hòa sau khi có cảnh báo về nhiệt độ cao.

“Nhiệt độ trước đây không như vậy”, Ichiuji nói. “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải giữ đủ nước và trú trong nơi như thế này”.

Chính quyền Nhật Bản ban hành cảnh báo sốc nhiệt tại 40 trong số 47 tỉnh của nước này vào hôm 23/7, khi nhiệt độ một số nơi tăng lên hơn 37 độ C, NHK đưa tin.

Theo Sở cứu hỏa Tokyo, các cuộc gọi xe cứu thương tăng đáng kể khi nhiệt độ trong khoảng 25 độ C đến 35 độ C. Tính đến ngày 15/7, có hơn 9.000 người đã tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp vì nghi ngờ sốc nhiệt trên khắp Nhật Bản, gấp đôi số người cùng kỳ năm 2023.

leftcenterrightdel
 Người dân đi bộ dưới ánh nắng gay gắt ở tỉnh Osaka, Nhật Bản vào ngày 21/7. Ảnh:CFP. 

Các nước vùng Balkan và hầu hết vùng Trung, Nam Âu cũng chịu ảnh hưởng của đợt sóng nhiệt kéo dài. Nắng nóng khiến hồ muối Rusanda ở Melenci, tỉnh Vojvodina (Serbia) trở nên khô cạn.

Pergusa - hồ tự nhiên duy nhất trên đảo Sicily (Italy) - cũng ngày càng bị thu hẹp do hạn hán kéo dài.

“Hồ không còn nữa. Phần lớn nước nhìn thấy được đã biến mất hoàn toàn, ngoại trừ vũng nước mà chúng ta có ở đây, kích thước bằng khoảng 1% hồ”, Giuseppe Maria Amato thuộc Hiệp hội môi trường Legambiente nói.

Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), nhiệt độ toàn cầu ngày 22/7 đạt mức cao nhất trong lịch sử. Cụ thể, nhiệt độ trung bình hàng ngày của bề mặt Trái Đất đạt 17,15 độ C, mức cao kỷ lục kể từ năm 1940 đến nay.

Con số này vượt qua kỷ lục được thiết lập chỉ một ngày trước đó (21/7) là 17,09 độ C.

Trước khi thông tin này được công bố và phân tích, giám đốc Copernicus Carlo Buontempo đã tuyên bố Trái đất đang đi vào “thời kỳ chưa từng có”.

“Khi khí hậu tiếp tục nóng lên, chúng ta chắc chắn sẽ thấy các kỷ lục bị phá vỡ trong những tháng và năm tới”, ông nhận định.

Theo lifestyle.znews