Dẫn dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so với năm 2019 và khách nội địa đạt khoảng 95%.
Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.
Đối với Việt Nam, nhà chức trách hàng không đánh giá đến hết 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn 2019. Thị trường quốc tế đang dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức bằng giai đoạn 2019 vào cuối năm 2023.
Cụ thể, tổng thị trường vận tải hàng không năm nay dự kiến đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
So với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), thị trường tăng 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm ngoái và tăng 22% so với 2019; hàng hóa đạt 230.000 tấn, tăng 55% so với năm 2022, bằng 85% so với trước dịch.
Vận chuyển quốc tế đạt khoảng 34 triệu khách, bằng ba lần so với 2022 và 83% so với năm 2019; hàng hóa đạt 1,23 triệu tấn, tăng tương ứng lần lượt 10% và 22,4%.
"Có thể khẳng định, thị trường hàng không sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023" - Cục Hàng không dự báo.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn nhiều thách thức lớn như hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, xung đột Nga - Ukraine.
Theo đánh giá của Cục, việc Trung Quốc điều chỉnh các quy định kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ 8.1 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này. Song, tương tự các thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, việc phục hồi sẽ diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại như tâm lý e ngại dịch bệnh, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch... Vì thế, nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.
Trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch.
Năm 2022, diễn biến hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam không nằm ngoài nhận định của IATA: Sản lượng hành khách sẽ đạt 83% như trước đại dịch nhưng tổng lỗ của hàng không toàn cầu ước tính ở mức 9,7 tỉ USD. Các hãng hàng không nhận diện khó khăn phải đối mặt trong 2022 cũng như thời gian tới bao gồm: các khoản nợ ngắn hạn đến hạn phải trả, giá nhiên liệu tăng quá cao, thiếu hụt nhân công, kinh tế suy thoái và xung đột chính trị.
Theo Thanh niên