Một binh sĩ chính phủ Ethiopia canh giữ đoạn đường bị thu hẹp dẫn đến thị trấn Abi Adi, vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia
Tình cảnh đau lòng trên được tiết lộ qua một bức thư gửi ngày 16/6, do hãng tin AP trích dẫn sau khi xác nhận với một quan chức y tế khu vực Tigray.
Bức thư đem lại cái nhìn hiếm hoi về ẩn số đáng quan tâm nhất giữa cuộc chiến của các lực lượng Ethiopia - được hậu thuẫn bởi nước láng giềng Eritrea, và nhóm nhà lãnh đạo cũ của Tigray: Số phận của hàng trăm ngàn người dân bị cô lập với thế giới trong nhiều tháng.
Khi Mỹ cảnh báo rằng có tới 900.000 người ở Tigray phải đối mặt với nạn đói, rất ít thông tin được tiết lộ về những khu vực rộng lớn của Tigray. Kể từ tháng 11/2020, những con đường liên tục bị phong tỏa và giao tranh không ngừng diễn ra, các nhóm nhân đạo phải từ bỏ việc tiếp cận người dân.
Một hy vọng nhỏ nổi lên trong tuần này khi chính phủ Ethiopia tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức, đơn phương sau khi các máy bay chiến đấu Tigray tiến vào thủ phủ của khu vực và binh lính chính phủ bỏ chạy.
Một quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ nói với các nhà lập pháp liên bang hôm 29/6 rằng, một số nhóm viện trợ dự kiến sẽ tận dụng lệnh ngừng bắn để tiếp cận các khu vực hẻo lánh.
Tuy nhiên, không rõ liệu các bên khác trong cuộc xung đột, bao gồm cả quân đội từ nước láng giềng Eritrea vốn nổi tiếng tàn bạo, có tôn trọng lệnh ngừng bắn hay không. Một phát ngôn viên của Tigray bác bỏ lệnh ngừng bắn và thề sẽ giải phóng hoàn toàn khu vực.
Một phụ nữ Ethiopia nhận lúa mì phân phối bởi Hiệp hội cứu trợ Tigray ở thị trấn Agula, vùng Tigray
Một quan chức y tế xác nhận lá thư do hãng AP công bố được gửi tới thủ phủ khu vực, Mekele, từ quận trung tâm Mai Kinetal. Đây là bức thư cầu cứu thứ hai mà họ nhận được.
Lá thư đầu gửi từ quận Ofla báo cáo 150 người chết vì đói, được người đứng đầu hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chia sẻ trong một phiên họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 4. Chính phủ Ethiopia nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Nhưng lá thư từ Mai Kinetal thì khác. Văn bản cung cấp dữ liệu rất hệ thống, được biên soạn kỹ lưỡng, đưa ra mức độ tàn phá theo từng mục: Ít nhất 440 người đã chết và ít nhất 558 người là nạn nhân của bạo lực tình dục. Hơn 5.000 ngôi nhà đã bị cướp phá. Hàng ngàn con gia súc bị cướp mất. Hàng tấn hoa màu bị thiêu rụi.
Người viết thư, được cho là lãnh đạo quận Berhe Desta Gebremariam, ghi: “Không có nước sạch; điện, liên lạc qua điện thoại, ngân hàng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tiếp cận viện trợ nhân đạo đều bị chặn. Mọi người không thể di chuyển đi nơi khác bởi vì quân đội Eritrea bao vây hoàn toàn khu vực và chúng tôi không có phương tiện di chuyển. Mọi người chịu đựng và chết dần".
Cũng theo lá thư, những người nông dân bị cướp bóc ở khu vực nông nghiệp không còn hạt giống để trồng lương thực, đồng thời cảnh báo rằng nếu không có viện trợ, năm 2021 và 2022 sẽ rất thảm khốc.
Lá thư "cầu cứu" được hãng tin AP trích dẫn, gửi đi từ khu vực bị cô lập của vùng Tigray
Nhìn chung, LHQ ước tính rằng 1,6 triệu người vẫn đang mắc kẹt ở các khu vực khó tiếp cận của Tigray, với ít nhất 33.000 trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng đang đối mặt với "nguy cơ tử vong sắp xảy ra" nếu không thể tiếp cận viện trợ. Tuy nhiên, các nhân viên nhân đạo cảnh báo rằng tình hình hiện đang đặc biệt phức tạp trong bối cảnh một số cuộc giao tranh ác liệt nhất manh nha xảy ra.
Theo phunuonline