leftcenterrightdel
Trẻ em làm việc trong nhà máy sản xuất nồi nhôm ở Dhaka, Bangladesh. Có tới 85 triệu trẻ em làm những công việc độc hại trên khắp thế giới - Ảnh: GETTY 

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố một báo cáo vào cuối tuần qua, trong đó nhấn mạnh rằng hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì hạn hán nghiêm trọng cùng các đợt lũ lụt, lốc xoáy… khiến họ có nguy cơ trở thành nô lệ thời hiện đại và nạn buôn người gia tăng trong những thập niên tới.

Các cuộc khủng hoảng khí hậu và tần suất ngày càng tăng của các thảm họa do thời tiết khắc nghiệt đang có tác động tàn phá đến sinh kế của những người vốn đang sống trong cảnh nghèo đói và khiến họ dễ bị nô lệ hơn.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) và Quốc tế Chống Nô lệ cho biết, hạn hán ở miền Bắc Ghana đã khiến nam và nữ thanh niên di cư đến các thành phố lớn. Nhiều phụ nữ làm công việc bốc vác và có nguy cơ bị buôn bán, bóc lột tình dục và nợ nần - một hình thức nô lệ hiện đại. 

Một phụ nữ di cư đến Accra từ miền Bắc Ghana, từng làm nông nghiệp cho đến khi đất đai bị hủy hoại do lũ lụt khiến cô phải chuyển đi. Trong bảy năm, cô đã làm công việc bốc vác. “Làm nghề này không hề dễ dàng đối với tôi. Khi đến đây, tôi không biết gì về công việc. Tôi được một phụ nữ cho ăn, ở. Tuy nhiên, tất cả tiền kiếm được của tôi đều chuyển về tay bà ấy và thỉnh thoảng bà ta mới chia cho tôi một phần nhỏ trong số đó”, cô kể. 

Tại Sundarbans, trên biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh, các cơn lốc xoáy nghiêm trọng đã gây ra lũ lụt ở vùng đồng bằng, làm giảm diện tích đất canh tác khiến nhiều người bỏ đi tìm đường sống. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những kẻ buôn lậu và buôn người thường hoạt động trong những khu vực hay xảy ra thảm họa và chúng đang nhắm mục tiêu vào các góa phụ và đàn ông muốn vượt biên sang Ấn Độ để tìm việc làm. Những tên buôn người thường ép người dân làm lao động khổ sai và làm gái mại dâm dọc biên giới.

Fran Witt - cố vấn về biến đổi khí hậu và chế độ nô lệ hiện đại tại Anti-Slavery International - cho hay: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác động domino của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của hàng triệu người. Các hiện tượng thời tiết cực đoan góp phần phá hủy môi trường, buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa và khiến họ dễ bị buôn bán, bóc lột và trở thành nô lệ”.

WB ước tính, vào năm 2050, tác động của khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như năng suất cây trồng kém, thiếu nước và mực nước biển dâng cao, sẽ buộc hơn 216 triệu người trên sáu khu vực, bao gồm cả châu Phi cận Sahara, Nam Á và châu Mỹ Latinh sẽ bỏ quê mà đi.

Báo cáo của WB là lời cảnh báo rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo thế giới trước Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow vào tháng 11 tới đây và kêu gọi họ đảm bảo nỗ lực giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu cũng như giải quyết chế độ nô lệ hiện đại.

“Thế giới không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước nạn lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và nạn buôn người đang được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Giải quyết những vấn đề này cần phải là một phần của các kế hoạch toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, Ritu Bharadwaj - nhà nghiên cứu của IIED - nói. 

Theo phunuonline