Từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, những chính sách, biện pháp cách ly hạn chế tại Hong Kong khiến người dân đất nước này ám ảnh. Thậm chí nó đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch cả cuộc đời một người.

Julie, một phụ nữ 36 tuổi sống tại Hong Kong, chia sẻ với SCMP rằng cuộc sống của cô đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi chia tay mối quan hệ 10 năm để tìm đến thế giới hẹn hò xa lạ.

Không ai biết được khi nào đại dịch sẽ bùng phát một lần nữa. Các quy định nghiêm ngặt về du lịch và giãn cách xã hội đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và nghề nghiệp của nhiều người tại Hong Kong.

Tìm cách cấp đông trứng

Đến nay, một số các quy định vẫn được áp dụng, nó phá vỡ cách giao tiếp truyền thống của mọi người như việc có thể gặp gỡ nhau tại lớp học, buổi tiệc hay thậm chí là bên quầy bar.

Julie đã 36 tuổi, cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải hẹn hò ai đó qua mạng mà không được gặp gỡ, cũng chẳng được giao tiếp với họ.

leftcenterrightdel
 Các con phố nhộn nhịp của Hong Kong đã buộc phải đóng cửa trong thời gian dài bắt đầu từ năm 2020 như một phần của các biện pháp chống dịch, khiến mọi người khó gặp gỡ đối tác tiềm năng. Ảnh: Pexels

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ Julie đang nhận thức rõ ràng về chiếc đồng hồ sinh học bên trong cơ thể mình. Cô đã là một phụ nữ lớn tuổi, không có gia đình, chồng và con cái. “Tôi không mong muốn là một người mẹ đơn thân hoặc mang thai hộ ai đó. Nhưng thật sự tôi đã mất 10 năm với một chàng trai sai lầm và mất hơn 2,5 năm vì đại dịch. Tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian", cô nói.

Vì thế, Julie quyết định cấp đông trứng.

Đó là một quy trình mà trứng của người phụ nữ được đông lạnh và lưu trữ để sử dụng cho các mục đích sau này.

Dorothy Ng - chuyên gia khoa sản phụ tại Hong Kong, cho biết thủ thuật này là tốt nhất đối với những người phụ nữ muốn có con trong tương lai nhưng chưa sẵn sàng mang thai ở thời điểm hiện tại.

“Một số phụ nữ mắc bệnh lý hoặc chuẩn bị điều trị ung thư, ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng, cũng có thể cân nhắc việc bảo quản trứng của họ trước khi bắt đầu xạ trị", bà nói thêm.

Ở Hong Kong, trứng đông lạnh có thể được bảo quản đến 10 năm hoặc cho đến khi người phụ nữ đó bước sang tuổi 55. Theo một phòng khám phụ nữ có trụ sở tại Hong Kong, tuổi tác chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Thời gian vàng để cấp đông trứng là từ 28-35 tuổi.

Nhưng có một rào cản phân biệt đối xử khác đang chờ phụ nữ cấp đông trứng.

Một phụ nữ độc thân hay đang trong một mối quan hệ hoặc là người thuộc cộng đồng LGBT hoàn toàn có quyền cấp đông trứng. Tuy nhiên, chỉ có những cặp vợ chồng (nam-nữ) mới có quyền được thụ tinh hợp pháp.

“Quyền mang thai của phụ nữ độc thân hoặc phụ nữ trong cộng đồng LBGT không được hỗ trợ bởi quy định cấp đông trứng hiện hành ở Hong Kong,” Tiến sĩ Lucy Lord, một chuyên gia sản phụ khoa tại Hong Kong, cho biết.

Nhiều khó khăn

Muốn được cấp đông trứng một cách tự do hơn, Julie buộc phải rời khỏi Hong Kong và đến Canada - nơi luật quản lý dịch vụ cấp đông trứng ít nghiêm ngặt hơn. Thế nhưng, các phản ứng từ vắc xin Covid-19 khiến cô gặp các vấn đề về rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sinh sản.

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ Hong Kong yêu cầu giảm tải các hạn chế giao tiếp vì dịch Covid-19. Ảnh: Times

Tốn nhiều thời gian, visa tại Canada của Julie hết hạn. Cô buộc phải di chuyển đến đất nước tiếp theo, đó là Anh. Nhưng những khó khăn cũ như vấn đề tài chính, sức khỏe, xin visa dài ngày luôn khiến kế hoạch của cô đổ bể.

Sau khi nghiên cứu các phương án cấp đông trứng ở châu Âu, cô bay đến Ý, nhưng những chỉ thị phòng chống Covid-19 siết chặt hơn khiến cô phải trải qua ba tuần cách ly trong khách sạn.

Sau 10 tháng ở nước ngoài, Julie buộc phải quay trở về Hong Kong. "Tôi đã kiệt sức và cảm thấy như cơ thể của mình đã bị hủy hoại”, cô nói.

Hành trình chông gai này cũng khiến cô gặp các vấn đề về tài chính. “Với tất cả các chuyến bay mùa cao điểm, khách sạn cách ly và tư vấn bác sĩ sinh sản, tôi đã tiêu tốn khoảng 1 triệu đô la Hong Kong, tương đương 130.000 USD

Đến nay, cô đã cấp đông 11 quả trứng tại một bệnh viện ở Hong Kong. Tuy nhiên, cô không thể sử dụng nó. Hiện, Julie đang kêu gọi chính quyền giảm bớt các hạn chế đi lại và du lịch để họ có thể dễ dàng giao tiếp, gặp gỡ với nhau khi có nhu cầu.

“Ông John Lee, xin đừng phạm phải những sai lầm như chính quyền trước đây… Chúng ta phải ra ngoài xã hội và có những tương tác tự nhiên với nhau để có thể bồi dưỡng và xây dựng thế hệ tiếp theo”, cô nói.

Phụ nữ phải có quyền tự quyết

Tiến sĩ Tracy Yeung Wing-yee, cũng là một chuyên gia khoa phụ sản tại Hong Kong, cho biết nhu cầu về quyền bình đẳng giữa các mối quan hệ khác giới và cùng giới đang tăng cao.

“Tiếc là điều này chưa được công nhận tại Hong Kong. Các cặp đôi đồng tính đã kết hôn hợp pháp ở những quốc gia khác cũng không thể thụ tinh tại đây”.

Fiona Nott - giám đốc điều hành của The Women's Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở Hong Kong, nói rằng phụ nữ thuộc mọi hoàn cảnh cần được hỗ trợ trong các lựa chọn sinh sản của họ, bao gồm cả các phương pháp điều trị sinh sản.

leftcenterrightdel
 Các hạn chế ở Hong Kong khiến phụ nữ gặp khó khăn khi muốn thụ tinh cho trứng đã cấp đông. Ảnh: Pexels

Nott nói với SCMP rằng luật pháp ở Hong Kong đã lỗi thời và mang tính phân biệt đối xử. “Một người phụ nữ phải có quyền đưa ra sự lựa chọn của mình về các phương pháp điều trị sinh sản. Bất kể cô ấy đang độc thân hay đang có mối quan hệ với người cùng giới hay khác giới”.

Theo Lord, hiện họ có khoảng 3-4 triệu bệnh nhân mỗi tháng đến bệnh viện để thực hiện cấp đông trứng. Các công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến khiến phương pháp này có tính thành công cao hơn và giá cả cũng trở nên hợp lý.

Phương pháp sinh sản này cũng gia tăng trong bối cảnh xu hướng làm mẹ lớn tuổi đang phát triển.

Điều này dẫn đến ngày càng có nhiều các công ty lớn, bao gồm Uber, Apple và Meta cũng cung cấp quyền lợi được cấp đông trứng cho nhân viên nữ của họ như một phần phúc lợi khi làm việc tại đây.

Nhưng Nott cũng cho biết khi những đặc quyền về phương pháp hỗ trợ sinh sản này được quan tâm, người ta cũng đặt ra những câu hỏi xung quanh việc người định kiến phụ nữ không thể làm tốt việc của họ khi vừa cống hiến cho công việc và vừa làm mẹ.

“Liệu phúc lợi từ các công ty này có dẫn đến việc các nhân viên nữ bị kỳ vọng và áp lực hơn khi phải trì hoãn việc làm mẹ đến khi họ đã lớn tuổi”, cô đặt vấn đề.

Cô cho biết, ở Hong Kong, họ thiếu các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Do đó phụ nữ thường phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi nấng con cái. Vì vậy theo cô, cấp đông trứng không nhất thiết là một phúc lợi nếu công ty muốn níu kéo nhân viên của họ. Thay vào đó, hãy để họ được nghỉ thai sản nếu họ muốn.

“Mặc dù chúng ta cần giúp họ lựa chọn một phương án sinh sản, cho dù đó là cấp đông trứng hay các phương pháp kế hoạch hóa gia đình khác, nhưng như thế là chưa đủ, Chúng ta cần gỡ bỏ những rào cản và định kiến khác", Nott nói.

Theo Zing