|
|
Đại dịch góp một phần làm gián đoạn kế hoạch kết hôn và sinh con của các cặp vợ chồng Hong Kong. Ảnh: Dickson Lee. |
Elon Musk, người giàu nhất thế giới, tỏ ra lo ngại về sự sụt giảm dân số trên thế giới, rằng tỷ lệ sinh giảm hiện là “mối nguy hiểm lớn nhất” đối với nền văn minh.
Elon Musk từng đưa ra một số lời cảnh báo, bao gồm Nhật Bản có thể “sẽ không còn tồn tại” và Italy “sẽ sớm không còn người”.
Hong Kong có lẽ cũng sớm tương tự khi số lượng trẻ em sinh ra vào năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, chỉ có 36.953 trẻ chào đời.
Con số này giảm đáng kể so với mức 60.000 năm 2016 và 95.000 năm 2011. Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng cũng tăng lên 32,6 tuổi.
Theo Alice Wu, nhà tư vấn chính trị và cựu phó giám đốc của Mạng lưới Truyền thông Châu Á - Thái Bình Dương tại UCLA, chưa cần bàn đến tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, Hong Kong đã dường như “không còn tồn tại đối với nhiều người”.
Một số lượng đáng kể các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở thành phố này đã di dời vĩnh viễn hoặc đang trong quá trình chuyển đi.
Kết quả một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại châu Âu của Hong Kong công bố vào mùa xuân này vẽ nên một bức tranh ảm đạm: chỉ 17% tổng số doanh nghiệp châu Âu chưa có kế hoạch di dời khỏi thành phố.
Covid-19 đã tách “trung tâm tài chính toàn cầu” khỏi thế giới. Tiếng kêu than từ cộng đồng doanh nghiệp Hong Kong đều nhất quán rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đang khiến việc kinh doanh ở thành phố này trở nên bất khả thi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Paul Chan Mo-po thừa nhận rằng các quy định kiểm dịch là “hạn chế quan trọng nhất” mà thành phố phải đối mặt trong việc khôi phục kinh tế.
Nói với SCMP, ông cho biết sẽ cần phải hạ thấp hơn nữa dự báo GDP của thành phố trong tháng này. Sự phục hồi kinh tế còn rất yếu.
|
|
Nhà vệ sinh và bếp được đặt cạnh nhau trong những căn hộ siêu nhỏ ở Hong Kong. Dù trả giá cao, nhiều người thuê nhà phải sống trong điều kiện tồi tệ. Ảnh: SCMP. |
Bà Wu nói rằng Hong Kong đã rơi vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật. Xứ Cảng thơm đang bị tác động bởi vô số yếu tố ngoại cảnh như lạm phát, lãi suất tăng, chiến tranh và các tranh chấp địa chính trị.
Bên cạnh đó, Hong Kong nằm trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất để sinh sống trên thế giới suốt 3 năm qua.
Khi xem xét tất cả điều trên, không khó để hiểu vì sao nhiều người trẻ chọn không kết hôn hoặc sinh con. Ngày càng nhiều cư dân trong độ tuổi sinh sản coi việc kết hôn và sinh con là điều xa xỉ.
“Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá nhà cao ngất ngưởng, khiến nhiều người không muốn lập gia đình”, TS Xu Duoduo, PGS Xã hội học tại Đại học Hong Kong (HKU), nói.
Thực trạng này phản ánh quá trình “chuyển đổi nhân khẩu học” ở Hong Kong và các nền kinh tế phát triển khác - nơi mọi người tập trung vào hạnh phúc cá nhân và nhiều phụ nữ học thức cao trì hoãn kết hôn, sinh con.
|
|
Nhiều người trẻ cảm thấy không muốn kết hôn khi còn chưa lo được cho bản thân. Ảnh: Wall Street Journal. |
GS Paul Yip Siu-fai, phó chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội tại HKU, cho biết hôn nhân không phải điều giới trẻ ưu tiên ngày nay.
Ông nhận thấy thất nghiệp và bất ổn tài chính vì đại dịch khiến người dân không còn tự tin lập gia đình. Tỷ lệ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn di cư.
Dù vừa học, vừa chăm mẹ và làm 2 công việc part-time cùng lúc, một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn nằm ngoài tầm với của David Wong (22 tuổi). Anh cảm thấy bất lực trước tình trạng sinh hoạt phí cao ngất ngưởng tại Hong Kong.
"Tôi còn một khoản học phí khoảng 150.000 HKD (hơn 19.000 USD) cần phải trả, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ mua được nhà”, anh chia sẻ.
Kacey Choi (21 tuổi) cảm thấy không còn lựa chọn nào khác vì giá nhà thành phố cao ngất ngưởng. Choi cùng gia đình thuê một căn nhà ở xã hội. Cô chăm chỉ làm thêm trong thời gian rảnh để hỗ trợ cha mẹ, nhưng vẫn không đủ tiền để giúp gia đình mua hoặc thuê nơi ở rộng rãi hơn.
“Những người trẻ tuổi như tôi buộc phải chấp nhận thực tế. Tôi cảm thấy bất lực về tương lai”, cô nói.
Theo zingnews