Các thành viên KKK mang theo súng và đi trên tàu để phô trương lực lượng vào tháng 3.1981 - JOHN R.VAN BEEKUM
Những ngày qua, cộng đồng người gốc Á nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng tại nhiều bang của Mỹ không khỏi lo lắng khi trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mang tính phân biệt chủng tộc. Bối cảnh này khiến cho nhiều người Việt tại Mỹ nhớ lại câu chuyện những ngư dân Việt Nam ở bang Texas đã phải đấu tranh để chống lại hội kín KKK cách đây khoảng 4 thập niên.
Từ phát súng phẫn uất
Theo tài liệu được lưu trữ bởi các cơ quan nghiên cứu tại Mỹ, sau năm 1975, lượng người Việt Nam di cư sang Mỹ khá đông và con số lên đến gần nửa triệu người vào những năm cuối thập niên 1970, sống rải rác ở nhiều nơi. Khi đó, chính phủ Mỹ cố ý đưa nhiều người Việt về các khu vực chưa phát triển mạnh với mục đích để những người di cư hòa nhập với cộng đồng mới dễ dàng hơn.
Nằm trong số đó, một cộng đồng nhỏ người Việt Nam đã hình thành ở Texas và sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, chủ yếu là câu tôm ở vùng vịnh Mexico. Thế nhưng, những người Việt mới đến đã sớm bị chèn ép bởi người bản địa. Thậm chí, việc mua ngư cụ cũng gặp nhiều rào cản.
Mâu thuẫn ngày càng lớn bởi việc hội kín KKK “châm dầu vào lửa”. Ra đời từ cuối thế kỷ 19, hội kín KKK (Ku Klux Klan), hay còn gọi là Klan, theo đuổi quan điểm “người da trắng thượng đẳng” nên tiến hành nhiều hoạt động phân biệt chủng tộc.
Cuối thập niên 1970 ở Texas, lực lượng KKK tại đây ra sức tuyên truyền rằng cộng đồng người Việt mới đến đang phá hoại công việc làm ăn của người bản địa. Thực tế vào những năm cuối thập niên 1970, những ngư dân Việt mới đến đây chưa hiểu rõ một số nguyên tắc đánh bắt hải sản nhằm vừa khai thác, vừa đảm bảo nguồn hải sản phát triển lâu dài. Đó là một cái cớ để KKK có lý do quy kết “sự phá hoại” của cộng đồng ngư dân Việt.
KKK xây dựng cả một lực lượng như quân đội tại Texas - ẢNH: SCMP
Cứ thế, cộng đồng bản địa bắt đầu tấn công những ngư dân Việt nhằm thúc ép những người mới di cư đến phải chuyển đi. Hàng loạt vụ phá hoại, đâm đụng, thậm chí đốt cả tàu cá của người Việt.
Đêm 3.8.1979, tại thị trấn Seadrift (Texas), một số tàu cá của người Việt đã bị đốt cháy. Trong cơn phẫn uất, 2 anh em Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính thuộc phía ngư dân Việt đã nổ súng chống trả, bắn chết một ngư dân da trắng bản địa. Sau đó, 2 anh em Sáu và Chính được tòa tuyên vô tội vì nổ súng để tự vệ.
Đến cuộc chiến pháp lý
Việc tòa tuyên vô tội trở thành một cái cớ để KKK tăng cường cưỡng ép ngư dân Việt Nam. KKK mở ra một tổ chức đánh bắt hải sản để trực tiếp chèn ép ngư dân Việt, đẩy mạnh việc vũ trang cho các thành viên, mở các lớp huấn luyện cho người bản địa, thực hiện nhiều cuộc phô trương lực lượng để thị uy. KKK còn tập trung một số cựu binh Mỹ.
Nhiều vụ tấn công, đốt phá tàu cá của người Việt liên tục xảy ra. Trong một cuộc tuần hành thị uy vào tháng 2.1980, người đứng đầu KKK ở Texas đã ra tối hậu thư rằng cộng đồng ngư dân Việt phải rời khỏi Seadrift trước ngày 15.5.1980, và bắt đầu tăng cường tấn công, phá hoại nhằm vào người Việt.
Ở phía ngược lại, cộng đồng người Việt cũng mua sắm vũ khí, hỗ trợ nhau cùng phòng thủ, trong khi một số người Việt khác cũng đành rời khỏi địa phương này. Căng thẳng dâng cao đến mức nhiều người lo ngại một “cuộc chiến tranh” sẽ sớm nổ ra.
Thế nhưng, dưới sự giúp đỡ của một số tổ chức dân sự tại Mỹ, cộng đồng ngư dân Việt đã bất ngờ lựa chọn “phản công” bằng cách đệ đơn lên tòa vào tháng 4.1981. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho người nghèo miền Nam, do một người gốc Do Thái sáng lập, đã tích cực hỗ trợ ngư dân Việt.
Kết quả, phía ngư dân Việt đã giành chiến thắng pháp lý. Tháng 7.1981, tòa kết luận rằng phía KKK đã có những hành vi chèn ép, cản trở ngư dân Việt hành nghề một cách hợp pháp. Tòa cũng trích dẫn đạo luật chống độc quyền và cáo buộc phía KKK đã cố ý loại bỏ đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp. Vào tháng 3.1982, tòa án cũng đã đưa ra phán quyết yêu cầu KKK phải giải tán lực lượng vũ trang. Trước đó, KKK dẫn trích Tu chính án số 2 về quyền sử dụng vũ khí, nhưng tòa cũng đã dẫn trích các quy định về việc cấm quân đội tư nhân để bác bỏ.
Sau phán quyết trên, cộng đồng ngư dân Việt ở Texas đã phần nào tránh được việc bị tấn công, phá hoại như trước. Cuộc đứng lên của ngư dân Việt tại đây đã trở thành một điển hình của sự can đảm, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Tuần hành ủng hộ người gốc Á ở Mỹ Đài NBC News hôm qua đưa tin từ TP.San Francisco (bang California) đến TP.Pittsburgh (bang Pennsylvania), đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ đều xuống đường tuần hành vào ngày 20.3 (giờ Mỹ) nhằm phản đối những tội ác vì thù hận đối với người gốc Á. Các cuộc tuần hành này diễn ra sau khi nghi phạm Robert Aaron Long (21 tuổi) ngày 16.3 xả súng lần lượt tại 3 tiệm spa ở TP.Atlanta (thủ phủ Georgia), khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Cô Ann Johns, một người tham gia tuần hành ở Atlanta, kể lại đã phải đối mặt với những lời lẽ và sức ép liên quan đến bề ngoài gốc Á trong suốt cả cuộc đời. Tại TP.Chicago (bang Illinois), một người tham gia tuần hành ở quảng trường Logan cho hay họ xuống đường không chỉ nhằm ủng hộ các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta, mà còn ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai. Kết quả khảo sát do diễn đàn Stop AAPI Hate thực hiện gần đây cho thấy có gần 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á trong một năm qua. Văn Khoa |
Theo thanhnien