Chị Trần Thị Thu (Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Quảng Trị, ngồi, ở màn hình lớn) ký kết trực tuyến với các thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp. - ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ngày 31.8, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn - Ban thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ ký kết trực tuyến hỗ trợ các sáng kiến về chuyển đổi việc làm, phát triển kinh tế và truyền thông sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sáng kiến trang trại gà công nghệ cao của Ngô Đức Bảo (xã Cam Chính, H.Cam Lộ, Quảng Trị) được hỗ trợ trong dịp này - ẢNH: THANH LỘC
Đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn Quảng Trị và Trung tâm thanh thiếu niên Trung ương, thuộc khuôn khổ “Dự án giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương” do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc và Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Chương trình này là nhằm hỗ trợ sinh kế và cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Quá trình triển khai, từ 27 sáng kiến gửi về, chương trình đã lựa chọn được 8 sáng kiến khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm của thanh niên tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 8 sáng kiến này xấp xỉ 800 triệu đồng, qua đó hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 100 thanh niên xuất khẩu lao động bị gián đoạn do dịch Covid-19.
Sáng kiến xưởng sản xuất và gia công đồ gỗ mỹ nghệ của Trần Đức Thịnh (xã Gio Hải, H.Gio Linh, Quảng Trị) được hỗ trợ lần này - ẢNH: THANH LỘC
Chị Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, cho biết nhiều thanh niên địa phương đã vay mượn tiền, thế chấp để học ngoại ngữ và làm các thủ tục để xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên mọi việc bị đình trệ, nhiều thanh niên vừa lâm cảnh khó khăn trong việc trả nợ, vừa mơ hồ trong định hướng công việc.
Theo chị Thu dự án sẽ giúp thanh niên giải quyết các khó khăn về nguồn vốn, máy móc sản xuất, con giống, quy trình kỹ thuật, hoàn thiện phương án sản xuất, xây dựng mô hình bền vững, hiệu quả. Đồng thời, giúp thanh niên gắn bó lâu dài, phát triển kinh tế trên quê hương và tích cực tham gia đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Đặc biệt, số tiền hỗ trợ này không có lãi, không cần hoàn lại. Mà chỉ cần những người được hỗ trợ quyết tâm, thực hiện đúng những cam kết đặt ra là sẽ tiếp tục dạy nghề, tạo việc làm cho các thanh niên cùng hoàn cảnh, không thể xuất khẩu lao động vì Covid-19”, chị Thu nói.
Cả 8 sáng kiến được hỗ trợ lần này hết sức gần gũi, có thể vẫn hoạt động được trong dịch Covid-19. Trong đó, có sáng kiến về xưởng mộc mỹ nghệ, trang trại gà lai, xưởng cơ khí, xưởng sửa chữa xe máy…
Theo thanhnien