|
|
Ông Đoàn Xuân Hưng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (Ảnh: Tào Đạt). |
Gặp ông ở Hà Nội trong một sớm đầu hạ, khi chúng tôi hỏi về Nhật Bản, ông bắt đầu ngay bằng câu chuyện hoa sen Việt Nam sang Nhật và hoa sen Nhật Bản đến với Việt Nam.
Ông Hưng kể: “Tháng 6 năm 2013, tôi đang ở Tokyo thì nhận được lời mời thăm quê hương ngài Nikai Toshihiro - Tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản. Tôi lưỡng lự thì ông Takebe Tsutomu - Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cũng là bạn tôi nói: “Sứ mệnh của tôi là phải giới thiệu ngài Nikai đến với Việt Nam để thay tôi vun đắp cho tình thân hai nước. Tôi muốn Đại sứ cảm được tấm lòng của Nikai để ông ấy có điều kiện hiểu và yêu Việt Nam hơn”.
Tôi lên đường ngay tới thành phố Kinokawa (tỉnh Wakayama). Nikai đón tôi với nụ cười nồng hậu. Ông bắt tay tôi rồi dẫn thẳng đến một hồ sen đầy hoa và nắng. Chúng tôi dạo bước bên hồ, màu xanh của lá, sắc hồng của hoa, ánh vàng của nhụy hòa cùng màu nắng Nhật tạo nên một không gian thực sự thanh khiết và mỹ lệ. Nikai đăm chiêu nhìn những cánh sen đang xòe bông, trổ nụ nói: “Đại sứ nhìn kìa, trên mặt hồ là hoa sen Nhật Bản. Nếu có hoa sen Việt Nam cùng mọc ở nơi này thì tuyệt vời biết mấy!".
Câu chuyện của chúng tôi không nhiều về chính trị, đối ngoại hay kinh tế mà hầu hết là sen, là hồ, là hoa. Tôi ngỡ ngàng hơn khi Nikai rất say sưa kể về hình ảnh thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài, chèo thuyền nan ra hồ hái sen. Ông mong muốn những hình ảnh đậm chất Việt Nam đó được hiện diện nơi này.
|
|
Hoa sen Việt Nam khoe sắc trên đất Nhật (Ảnh: KT). |
Hoa sen là biểu tượng văn hóa, đại diện cho ý chí, cốt cách của người Việt bởi dung nhan thuần khiết, tâm nhụy sáng trong, sống giữa đầm lầy mà thanh tao hương sắc, vượt lên nghịch cảnh, làm đẹp cho đời. Việt Nam và Nhật Bản cùng cội nguồn văn hóa phương Đông. Sen song hành với đời sống tín ngưỡng và văn hóa tâm linh của người Việt và người Nhật từ những chốn linh thiêng của chùa, đền, miếu, phủ đều trồng sen. Nhiều di tích và công trình Phật giáo của Việt Nam như: chùa Một Cột, đài sen chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương luôn có biểu tượng của sen. Ở Nhật, các pho tượng Phật thánh thiện, uy nghi thường tọa ở đài sen gọi là Liên hoa (hoa sen). Phật tử, tăng ni chắp tay thờ Phật, bàn tay trông giống búp sen… Ông tâm tình như một nhà “sen học” rồi “phật học” và có lẽ cả “Việt Nam học”. Tôi hiểu tâm nguyện của Nikai chọn hoa sen là biểu tượng cho tình thân của hai dân tộc. Tôi nghĩ mình phải có việc làm cụ thể để góp phần thúc đẩy đưa giống hoa sen Việt Nam sang Nhật.
Hiện thực giấc mơ "tình sen trong hữu nghị"
Trở về Tokyo, tôi khẩn trương viết báo cáo gửi lãnh đạo các cấp thẩm quyền trình bày sự việc và đề xuất kế hoạch đưa giống sen Việt Nam sang Nhật Bản tặng ông Nikai.
Kế hoạch nêu: gửi tặng nhân dân Nhật Bản 30 chiếc nón lá; một chiếc thuyền thúng, một chiếc thuyền nan cùng ba giống hoa sen đặc trưng đại diện cho 3 miền nước Việt... Miền Nam là sen Đồng Tháp; miền Trung - sen Nghệ An (ở làng Sen quê Bác); miền Bắc là sen Tây Hồ (Hà Nội)... Biết tin, một đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề xuất bổ sung thêm sen của địa phương này vì Bắc Ninh có nhiều ngôi chùa cổ trồng hoa sen kính phật... Như vậy, có 4 loại sen được chọn làm quà tặng bạn.
Tôi phấp phỏng chờ đợi, mong sao kế hoạch sớm được phê duyệt để tháng 8/2013, đúng dịp Việt Nam có đoàn lãnh đạo cấp cao sang Nhật nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết quan hệ ngoại giao hai nước, sẽ trực tiếp tặng quà cho bạn.
|
|
Bà Trương Thị Mai, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cùng các đại biểu thực hiện nghi thức trồng sen hữu nghị vào ngày 5/5/2023 tại Việt Nam (Ảnh: KT). |
Kế hoạch được chấp thuận. Tôi hẹn gặp, báo tin cho Nikai... Ông mừng rỡ, nét mặt rạng ngời nói: “Tôi không ngờ Đại sứ triển khai nhanh như vậy. Giấc mơ của tôi sớm trở thành hiện thực. Từ nay Đại sứ là thân hữu của tôi, công việc của chúng ta như việc một nhà, những gì anh cần tôi sẵn lòng giúp đỡ”.
Sau hôm đó, bản kế hoạch tập kết quà và hoa sen của 3 miền Bắc - Trung - Nam được khẩn trương hoàn thiện. Đầu tháng 8/2013, chiếc chuyên cơ từ sân bay Nội Bài lướt đường băng, cất cánh đưa phái đoàn Việt Nam cùng những món quà đặc biệt bay thẳng về hướng của đất nước "mặt trời mọc".
Chừng hơn 6 tiếng sau, chuyên cơ hạ cánh sân bay Nhật Bản. Chiều ngày 1/8/2013, ông Nikai và phái đoàn Nghị sỹ Nhật Bản cảm động, hân hoan chào đón các bạn Việt Nam cùng những món quà sen đầy tình thân hữu nghị.
Hạnh ngộ
6 năm sau, ngày 30/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao tham dự Lễ hội Hoa sen Nhật - Việt tổ chức tại thành phố Kinokawa. Trong lời phát biểu, Thủ tướng cảm động bày tỏ ý nghĩa nhân văn của loài hoa đã đại diện cho tình thân dân tộc: Đây là sự kiện thiêng liêng bởi hoa sen Việt Nam đã không quản đường xa về đây cùng sen Oga Nhật Bản tương phùng, hạnh ngộ..., để hai dân tộc chúng ta cùng chiêm ngưỡng sắc đẹp của "nhuỵ vàng bông trắng lá xanh"... và là minh chứng sống động cho sự kết nối tinh thần sâu sắc, bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thủ tướng nhắc lại câu ca: “Hoa sen sao khéo giữ màu. Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai”.
|
|
Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam dự Lễ hội Hoa sen Nhật - Việt tổ chức tại thành phố Kinokawa vào tháng 6/2019 (Ảnh: KT). |
Gần 1 năm sau (tháng 1/2020), ông Nikai dẫn đoàn đại biểu Nhật Bản với quy mô chưa từng có trước đây, gồm 1.000 thành viên thăm hữu nghị Việt Nam. Trong chuyến thăm này đoàn mang giống hoa sen quý nhất Nhật Bản tên là "Oga" tặng cho nhân dân thị xã Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam. Đây là giống hoa cổ “ngủ quên” từ 2.000 năm trước được Tiến sĩ Sinh học Oga Ichiro - Trường Đại học Tokyo khai quật và “đánh thức” giá trị. Ông Nikai rất say mê giống sen này và đã chọn làm quà tặng Việt Nam.
|
|
Sen Oga Nhật Bản xanh tươi trên đất Quảng Nam (Việt Nam), chờ ngày trổ nụ đơm bông (Ảnh: KT). |
3 năm sau (ngày 11 tháng 5 năm 2023), anh Mai Chí Công (sinh năm 1993), một người làm nghề trồng sen ở thôn Nông Sơn 1 (xã Điện Phước - huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam) kể: "Năm 2020, tôi tiếp nhận 10 chậu sen Oga Nhật Bản từ cán bộ nông nghiệp huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với lời nhắn gửi chăm sóc cho giống sen hữu nghị hai nước Việt - Nhật. Trong chậu ươm hơn 90 củ sen lên mầm.
|
|
Anh Mai Chí Công chăm sóc sen Oga (Ảnh: NVCC). |
Trải qua thời gian chăm bón, thích nghi, từ những củ sen giống ban đầu, sen Oga phát triển rất nhanh, phủ kín mặt hồ rộng 500m², chờ ngày trổ nụ, đơm bông.
Theo thoidai