'Học sinh Việt Nam chăm học nhưng chưa chăm tập thể thao'
Cập nhật lúc 20:59, Thứ sáu, 06/11/2020 (GMT+7)
Tối 5-11, lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020-2025 đã diễn ra tại Hà Nội.
Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020-2025 - Ảnh: NGỌC DIỆP
Hiện nay các trường ĐH ở Việt Nam vẫn chủ yếu xét tuyển những học sinh có trình độ văn hóa và chưa quan tâm đến những tố chất khác của sinh viên. Tôi nghĩ các trường nên quan tâm tuyển những học sinh có tố chất thể thao vì những em như vậy là tài năng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Lần đầu tiên tại Việt Nam có một dự án dài hạn về thể thao trường học ở quy mô toàn quốc, dành riêng cho học sinh, sinh viên được thực hiện bởi cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và các nguồn lực xã hội.
Dự án này sẽ được triển khai trong 5 năm (2020-2025). Hoạt động truyền thông thể thao trường học bao gồm: loạt chương trình truyền hình về thể thao trường học; những giải đấu thể thao thường niên dành cho học sinh, sinh viên các cấp; cung cấp những bộ học liệu chuẩn, mang tính hệ thống và khoa học cho học sinh, sinh viên, giáo viên thể chất trên toàn quốc…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề cho biết: "Sau giải chạy S-RACE mở màn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các môn như bóng rổ, bóng đá, bơi lội (tập trung phòng chống đuối nước), lôi cuốn càng nhiều học sinh, sinh viên nuôi dưỡng tình yêu thể thao, có ý thức rèn luyện thân thể".
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Học sinh Việt Nam rất chăm học nhưng chưa chăm tập thể thao vì nhiều lý do. Để thay đổi điều này cần có nhiều hoạt động đẩy mạnh phong trào thể thao trong học sinh, sinh viên.
Thể thao không chỉ để phát triển sức khỏe, tầm vóc cho thanh niên Việt Nam mà còn góp phần giúp các em rèn luyện bản lĩnh, sự kiên trì, đồng thời tạo sự hứng khởi cho các em trong học hành".
Kết thúc lễ ký kết, ban tổ chức đã phát động giải chạy thường niên S-RACE dành cho học sinh, sinh viên. Giải chạy này sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến thu hút 6.000 học sinh, sinh viên.
Tại lễ ký kết, các chuyên gia cho biết tình trạng lười vận động trong học sinh, sinh viên Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Hiện nay về cơ bản thanh thiếu niên Việt Nam đã được đáp ứng đủ chất dinh dưỡng, tuy nhiên đủ dinh dưỡng cũng không có ý nghĩa gì nếu thanh thiếu niên lười vận động. Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc - UNFPA, Việt Nam là 1 trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Hiện nay, giới trẻ Việt Nam dành 3-4 giờ mỗi ngày để sử dụng các thiết bị có kết nối Internet dẫn đến suy yếu sức khỏe thể chất. |
Theo tuoitre