Zhang Guimei (63 tuổi) - Hiệu trưởng trường nữ sinh Huaping ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - là nhà giáo dục nổi tiếng. Bà có nhiều đóng góp trong hoạt động thay đổi sinh kế của phụ nữ tại một trong những khu vực nghèo nhất của đất nước tỷ dân.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Phoenix TV, bà kể lại câu chuyện một học sinh cũ cùng gia đình tới gặp mình để quyên góp, tài trợ tiền cho nhà trường.
Tuy nhiên, Zhang thẳng thừng từ chối vì người phụ nữ này làm nội trợ toàn thời gian, sống phụ thuộc vào thu nhập của chồng, theo InkStone.
|
Bà Zhang tỏ thái độ không vui vẻ khi biết cựu học sinh lại là một người nội trợ toàn thời gian. Ảnh:Getty Images. |
“Khi cựu học sinh đó hỏi rằng tôi có khinh thường cô ấy vì không có khả năng kiếm tiền không, câu trả lời của tôi là ‘có’. Tôi đã yêu cầu cô ấy rời khỏi văn phòng”, hiệu trưởng nói.
Trường nữ sinh Huaping được thành lập vào năm 2008 và cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho bé gái ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Sau khi hoàn thành 9 năm học bắt buộc, nhà trường hy vọng học sinh sẽ tiếp tục theo đuổi giáo dục đại học, thay vì trở về nhà và kết hôn.
“Chúng tôi đã hỗ trợ nhiệt tình và miễn học phí cho các em. Nhưng các em lại chọn trở thành người nội trợ toàn thời gian”, Zhang cho biết. Bản thân bà đã chứng kiến nhiều ông chồng ngoại tình trong lúc vợ phải ở nhà cả ngày.
Theo quan điểm của Zhang, phụ nữ phải mạnh mẽ, cứng rắn với bản thân và không thể phụ thuộc vào đàn ông để sống.
“Bất kể người đàn ông đó giàu có cỡ nào, bạn đừng phụ thuộc hay tin tưởng họ. Phụ nữ cần phải tự chủ. Mặc dù vô cùng khó khăn, nhưng con đường tự lực luôn đáng tin cậy nhất”, nữ hiệu trưởng khẳng định.
|
Tôn chỉ hoạt động của trường nữ sinh Huaping là hỗ trợ, cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho bé gái ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh:SupChina. |
Phát ngôn của nhà giáo dục 63 tuổi đã tạo nên một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng lời lẽ của bà Zhang là thiếu tôn trọng phụ nữ, xúc phạm nữ quyền.
“Nữ quyền đúng cách là khi phụ nữ được xã hội tôn trọng bất kể lựa chọn công việc của họ là gì. Hành động phản đối của hiệu trưởng Zhang đối với cựu nữ sinh kia đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng tất cả học sinh của bà ấy”, một người bày tỏ.
“Đàn ông có ngoại tình hay không cũng không liên quan đến chuyện phụ nữ ở nhà nội trợ”, người khác bình luận.
Tuy nhiên, không ít người bảo vệ quan điểm của nhà giáo dục. Họ cho rằng phải đặt lời nói của Zhang vào hoàn cảnh của bà - một hiệu trưởng với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ ở khu vực nông thôn.
“Mấy người không thấy bà Zhang đã đau lòng như thế nào khi chứng kiến số phận của các học sinh mình từng tài trợ học phí mà chẳng thay đổi gì à? Họ đã có nhiều lựa chọn hơn vậy, nhưng lại đi theo con đường tiếp tục nâng cao chế độ gia trưởng ở Trung Quốc”, một người để lại bình luận.
Theo Zing