leftcenterrightdel
 Ảnh: UNICEF

Trong bối cảnh xung đột quân sự tiếp diễn, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại Sudan ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn.

Theo thông báo của FAO, hơn 20,3 triệu người, tương đương 42% dân số Sudan, đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao. Báo cáo khẳng định, cuộc xung đột vũ trang bùng phát giữa tháng 4 vừa qua giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối địch, khiến cho số người thiếu ăn tại Sudan tăng hơn gấp nhiều lần so với năm 2022.

Trong đó, khoảng 6,3 triệu người đang trong giai đoạn thiếu lương thực khẩn cấp ở mức độ trầm trọng. Những địa phương diễn ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất là thủ đô Khartoum, các bang Dafur, Bắc và Nam Kurdofan...

Trong khi đó, báo cáo chiến sự mới nhất do các nguồn tin khu vực cung cấp cho biết, cuộc xung đột tại Sudan đến nay đã cướp đi mạng sống của khoảng 3.900 người, chủ yếu là dân thường; khiến gần 4 triệu người phải đi lánh nạn, trong đó khoảng 800.000 người chạy ra nước ngoài.

Đáng lo ngại, chiến sự ác liệt diễn ra gần như hàng ngày tại nhiều khu vực, đã và đang cản trở đáng kể hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế cũng như khả năng cung cấp thuốc men cho các cơ sở y tế tại Sudan. Thực tế này đang đẩy quốc gia châu Phi tới gần hơn với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.

Theo vov