Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 4/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 20/8, Bộ Y tế Italy thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ ngày 23/5 vừa qua, với 845 ca trong 24 giờ qua.
Một ngày trước đó, Italy ghi nhận 642 ca mắc mới. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay là 256.118 ca.
Trong 24 giờ qua Italy cũng ghi nhận thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 35.148 ca.
Giáo sư Massimo Galli thuộc bệnh viện Sacco, nhận định dù tình hình dịch bệnh tại Italy không nghiêm trọng như Pháp hay Tây Ban Nha, song các nhà chức trách cũng như người dân Italy cần cảnh giác, và nước này nhiều khả năng phải đối mặt với tình hình dịch bệnh khó khăn hơn trong thời gian tới trong bối cảnh nhiều người đi du lịch trở về nước.
Tại Pháp, Cơ quan y tế công cộng DGS cho biết đã ghi nhận 4.771 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại nước này, tăng hơn 1.000 ca so với ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên Pháp ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới trong ngày kể từ tháng 5 vừa qua.
Trong tuần qua, Pháp đã ghi nhận 18.638 ca mắc mới, trong khi tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng từ mức 3,1% lên 3,3%.
Theo DGS, Pháp đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay và cảnh báo nước này sẽ tiếp tục chứng kiến số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao. DGS cho biết tuần trước Pháp đã ghi nhận số ca mắc mới tăng 43% trong vòng 1 tuần.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại San Sebastian, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, điều phối viên về tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha, Fernando Simon, thừa nhận "tình hình đang diễn không thuận lợi" trong cuộc chiến chống COVID-19 tại nước này, khi số ca mắc mới không có dấu hiệu giảm.
Phát biểu với báo giới, ông Simon nhấn mạnh không thể để tình hình mất kiểm soát tại Tây Ban Nha, đồng thời cảnh báo về tình trạng số ca mắc mới tăng trở lại trong nhiều tuần qua, đáng lo ngại là nhiều ca mắc mới không có triệu chứng.
Ông Simon nhấn mạnh nguy cơ chủ yếu là tình trạng quá tải tại các bệnh viện nếu các ca mắc mới tiếp tục tăng.
Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 130 ca trên 100.000 người, cao hơn nhiều so với một số quốc gia Liên minh châu Âu khác như Pháp hay Đức lần lượt với mức 43 và 17 ca trên 100.000 người.
Ông Simon kêu gọi những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong truyền thông xã hội cùng tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ về sự nguy hiểm của dịch bệnh này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại London, Anh ngày 24/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại Anh, trong khuôn khổ các biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps thông báo đưa 3 nước gồm Croatia, Áo, và Trinidad và Tobago ra khỏi danh sách Hành lang du lịch, theo đó tái áp đặt quy định tự cách ly 14 ngày đối với những người đến từ 3 nước này.
Trong khi đó, Anh bổ sung Bồ Đào Nha vào danh sách trên. Các quy định mới có hiệu lực từ 10 giờ ngày 22/8 (theo giờ Việt Nam).
Động thái trên được đưa ra sau khi Pháp, Hà Lan và một số quốc gia khác tuần trước cũng áp đặt quy định tự cách ly đối với người nhập cảnh do quan ngại nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ hai tại châu Âu.
Giới chức Anh cho biết có gần 1.200 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong ngày 20/8.
Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, Anh không thực thi các biện pháp cách ly, song vào tháng 6 vừa qua, nước này đã áp đặt quy định tự cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh Anh. Đến nay Anh đã ghi nhận hơn 41.000 ca tử vong do COVID-19.
Theo Vietnamplus