Ảnh minh họa: BBC

Hiện rác nơi công cộng và rác thải sinh hoạt gia đình tại Thái Lan chưa được phân loại triệt để, chưa nhiều nơi để riêng rác thải có thể mang virus, người dân phải vứt bỏ khẩu trang cùng với những loại rác thông thường trong gia đình. Người thu gom rác ở Thái Lan phải làm việc nhiều giờ đồng hồ để xử lý rác sinh hoạt, trong đó thường chứa khẩu trang đã qua sử dụng mà không được xử lý đúng cách, khiến những người này có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.

Cục Sức khỏe, Bộ Y tế công cộng Thái Lan đã khuyến cáo những người thu gom rác và buôn bán phế liệu nên đề phòng, đeo khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ khi làm việc, vì virus có thể tồn tại trên bề mặt của các vật dụng trong nhiều giờ đến vài ngày tùy thuộc vào môi trường và khí hậu. Đã xảy ra hiện tượng người thu gom rác bị mắc Covid-19 do tiếp xúc với rác thải mang virus.

Ông Theerawong Sanpipat, Chủ tịch công ty Prabkaya, một trong những công ty xử lý rác lớn Thái Lan cho rằng, những người thu gom rác có nguy cơ cao mắc Covid-19 khi tiếp xúc với rác thải có thể mang virus SARS-CoV-2. Ông đề nghị chính phủ tiêm vaccine Pfizer hoặc một loại vaccine theo công nghệ mRNA khác cho những người thu gom rác trên toàn quốc, vì ông cho rằng các loại vaccine này có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn Covid-19. Ông Theerawong Sanpipat đề nghị chính phủ nên cung cấp vaccine, bộ dụng cụ xét nghiệm và khẩu trang cho những người thu gom rác, đồng thời kêu gọi mọi người phân loại rác và bỏ rác thải có thể mang virus SARS-CoV-2vào túi được chỉ định đặc biệt khi đổ rác.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, ở nước này, tuổi thọ của virus trong môi trường ngoài trời có thể ngắn hơn do nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Tuy nhiên, người thu gom rác nên mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Giới chức y tế Thái Lan cũng khuyến cáo người dân phân loại rác thải sinh hoạt để có thể xử lý hiệu quả trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19./.

Theo vov