Bà Huỳnh Ngọc Vân hướng dẫn các em học sinh tham quan bảo tàng vào sáng 2/12
Bà Huỳnh Ngọc Vân hướng dẫn các em học sinh tham quan bảo tàng vào sáng 2/12

 

Bảo tàng Áo dài là một trong những đơn vị sắp được vinh danh trong 100 điều thú vị của TPHCM năm 2023.

Sáng 2/12, sau khi bảo tàng vừa đón 400 em học sinh, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc bảo tàng - đã dành chút thời gian chia sẻ về 1 năm hoạt động của đơn vị.

Trong 11 tháng qua, bảo tàng đã thu hút hơn 44.000 khách tham quan. Trong khi đó, năm 2022, tổng lượng khách cả năm là 39.000.

“Lượng khách tham quan bảo tàng tăng liên tục trong những năm qua, ngay cả năm dịch bệnh xảy ra. Chúng tôi nỗ lực tạo ra các hoạt động tiếp cận công chúng nên lượng khách tăng. 

Tuy nhiên, khách tham quan bảo tàng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Họ không chỉ tham quan, nghe thuyết trình mà còn muốn có nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm. Khách muốn tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam, chứ không chỉ dừng lại ở tà áo dài”, bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ. 

Bảo tàng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa ý nghĩa, bên cạnh việc tham quan: bảo tồn giá trị của lễ Vu lan; tạo không gian giao lưu kết nối giữa họa sĩ Nhật Bản và trẻ em Việt Nam; các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị của đờn ca tài tử từ cộng đồng… Các chương trình đều không có nguồn tài trợ, được tổ chức từ kinh phí của bảo tàng. 

Các em nhỏ học thắt lá dừa tại bảo tàng
Các em nhỏ học thắt lá dừa tại bảo tàng

 

Bảo tàng cũng chủ động tham gia nhiều lễ hội, hỗ trợ các đơn vị để quảng bá hình ảnh áo dài, các triển lãm đến gần công chúng. Gần đây, đơn vị này đã tham gia Tuần lễ văn hóa, du lịch và ẩm thực Đồng Nai, trong 5 ngày thu hút khoảng 80.000 khách. Ngoài 2 cuộc triển lãm (Lịch sử áo dài Việt NamÁo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh) được tổ chức, người đến tham quan bảo tàng còn được hướng dẫn thắt lá dừa. 

Ngày 10/12 tới đây, bảo tàng tiếp tục có hoạt động giao lưu đờn ca tài tử vào ban đêm. Theo bà Vân, đây là hoạt động khắc họa vẻ đẹp của ngoại thành TPHCM, mong muốn đóng góp vào du lịch. Các hoạt động du lịch cộng đồng như: dạy làm bánh, thắt lá dừa… cũng giúp người dân địa phương thể hiện được nét văn hóa truyền thống.

Bà Vân cho biết, bảo tàng muốn cải thiện, nâng cấp hoạt động trưng bày trong thời gian tới. Bởi đây là việc rất quan trọng với một bảo tàng để tạo ra sự thích thú cho công chúng. Tuy nhiên, để làm được đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn. Hiện, bảo tàng đã chủ động thu chi từ năm 2019 đến nay, nhưng mọi thứ chỉ ở mức vừa đủ. 

Bảo tàng mong muốn cải thiện hoạt động trưng bày trong tương lai
Bảo tàng mong muốn cải thiện hoạt động trưng bày trong tương lai

 

Nhờ việc tự chủ thu chi, không nhờ sự hỗ trợ từ nhà nước trong mùa dịch, nên bảo tàng được bằng khen từ UBND TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Chúng tôi luôn cố gắng “bơi” trong khả năng của mình. Dĩ nhiên, điều này khiến bảo tàng đứng trước nhiều thử thách, nhưng cũng là động lực để chúng tôi vượt qua”, bà Vân nói thêm.

Ngày 19/1/2024, bảo tàng sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập. Bảo tàng cũng sẽ tăng cường đón các đoàn khách giao lưu văn hóa, nắm bắt các phản hồi của khách để tiếp tục phát triển trong chặng đường sắp tới. 

Theo phụ nữ TPHCM