Đoàn Quân sự Việt Nam tại lễ khai mạc Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chương trình Đánh giá Năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Nhóm Chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, là cơ hội khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế hợp tác đa phương và song phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khuôn khổ ADMM+, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các quốc gia thành viên ADMM+.
Đại diện phía Nhật Bản với tư cách là đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ Hòa bình (PKOEWG) chu kỳ 4, bà Matsuzawa Tomoko, Giám đốc Hợp tác Quốc tế Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Nhật Bản đã nhấn mạnh việc hai bên thống nhất lồng ghép các quan điểm về bình đẳng giới trong quá trình lập kế hoạch CEPPP.
Trong các hoạt động tại CEPPP, các nữ quân nhân hiện diện ở nhiều vị trí với vai trò nổi bật.
Theo bà Matsuzawa Tomoko, để hoàn thành mục tiêu, Việt Nam và Nhật Bản đã rất chú trọng trong quá trình lập kế hoạch CEPPP đối với hai yếu tố then chốt: Đầu tiên là đảm bảo tính thực tế bằng cách tập trung vào những thách thức gặp phải trong các hoạt động gìn giữ hòa bình hiện nay bằng cách phản ánh kinh nghiệm của các nước thành viên trong các kịch bản CEPPP; thứ hai là lồng ghép các quan điểm về bình đẳng giới.
"Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh thành tựu của chúng tôi trong việc phát triển vai trò của phụ nữ trong Hòa bình và An ninh (WPS). Đây là một trong những mục tiêu chính của chu kỳ hiện tại. Do tầm quan trọng ngày càng tăng của phụ nữ trong Hòa bình và An ninh trong bối cảnh gìn giữ hòa bình, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có mối quan tâm sâu sắc đến việc thúc đẩy và nâng cao hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này giữa các nước thành viên," Trưởng Nhóm Chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Nhật Bản chia sẻ.
Trưởng đoàn Nhật Bản phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Liên quan đến nội dung này, Nhật Bản đã thành lập Nền tảng phụ nữ trong Hòa bình và An ninh ninh và tiến hành một loạt hội thảo về vấn đề trên bằng cách mời các chuyên gia nổi tiếng từ các phái bộ thực địa cũng như Trụ sở Liên hợp quốc.
Đối với CEPPP, Việt Nam và Nhật Bản đã đảm bảo đưa vào các tình huống và yếu tố thực tế liên quan đến vai trò của phụ nữ để chuẩn bị cho người tham gia diễn tập thực hiện nhiệm vụ của họ.
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động tại phái bộ, nữ giới cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động gìn giữ hòa bình, các bài giảng được xây dựng theo hướng gia tăng sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện các nhiệm vụ.
Đây cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì diễn tập đã thống nhất bảo đảm đưa vào Chương trình khung, theo đó tối đa hóa số lượng phụ nữ tham gia CEPPP ở tất cả các vị trí từ lập kế hoạch, nhân viên hành chính, giảng viên, học viên cho đến điều hành và chỉ huy diễn tập, nhằm đạt được sự cân bằng giới.
Điều này được thể hiện rõ trong quá trình tổ chức các hoạt động của CEPPP, từ các lớp học lý thuyết đến thao trường luôn có sự xuất hiện của các nữ quân nhân mũ nồi xanh tham gia huấn luyện và diễn tập thực binh của cả ba thành phần tham gia là quan sát viên quân sự, công binh và quân y.
Các nữ quân nhân với vai trò giảng viên, không chỉ đứng lớp giảng các bài giảng lý thuyết chung về gìn giữ hòa bình, mà cả những lớp chuyên ngành sâu, nhất là quan sát viên quân sự và quân y dã chiến.
Bên cạnh đó, trên thao trường huấn luyện của lực lượng công binh do Nhật Bản chủ trì, các nữ quân nhân cũng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau.
Tại lớp quan sát viên quân sự, nữ Trung tá Việt Nam Nguyễn Mỹ Hạnh và nữ Trung tá người Philippines Mablyn Palog Madongit đảm nhận giảng những lý thuyết tổng quan đảm nhận giảng dạy nội dung tổng quan về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh cho hay chị có kinh nghiệm một năm tham gia phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi với vai trò sỹ quan tham mưu huấn luyện. Việc được tham gia vào nhóm giảng viên quan sát viên quân sự giúp chị học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên ngành quan sát viên quân sự và kinh nghiệm hữu ích cho nhiệm vụ sắp tới.
Ở lớp dành cho các quan sát viên quân sự, trong các bài giảng chuyên ngành không thể thiếu nội dung hướng dẫn kỹ năng đàm phán khi đi qua trạm kiểm soát hay xử lý các tình huống về bạo lực tình dục liên quan tới xung đột hay bảo vệ trẻ em, tiếp cận cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là những tình huống trong thực hiện nhiệm vụ thực tiễn mà các quan sát viên quân sự thường phải đối mặt.
Trong thực hành xử lý các đầu bài chiến thuật trên thao trường, chính các nữ quân nhân sẽ "vào vai" những nạn nhân của bạo lực và xung đột hoặc các nữ quan sát viên quân sự đàm phán, thương lượng, tiếp cận cộng đồng để nắm bắt tình hình./.
Theo TTXVN/Vietnam+