Kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm (hình chữ Y) giúp ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2 - Ảnh: SCIENCENEWS
Kháng thể đơn dòng đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được điều trị COVID-19 bằng liệu pháp này do hãng dược Regeneron sản xuất vào đầu tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó, một số kháng thể đơn dòng tiềm năng đã được đánh giá để cho phép sử dụng rộng rãi hơn.
Kháng thể đơn dòng là gì?
Hệ miễn dịch của chúng ta có khả năng tạo ra các kháng thể nhằm chống lại các phân tử lạ từ mầm bệnh như virus và vi khuẩn. Thuật ngữ khoa học gọi các phân tử lạ này là kháng nguyên.
Phần lớn những người hồi phục sau COVID-19 tạo ra kháng thể nhận diện và bất hoạt hóa kháng nguyên virus SARS-CoV-2 nhằm ngăn cản sự xâm nhập của virus. Những kháng thể này có thể tồn tại ít nhất 5-8 tháng sau khi khỏi bệnh.
Dựa vào đó, các nhà khoa học đã tạo ra các bản sao giống hệt với các kháng thể tự nhiên này trong môi trường thí nghiệm để truyền vào máu người bệnh. Những bản sao này được gọi là kháng thể đơn dòng đặc hiệu nhắm vào virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn sự xâm nhập của nó.
Hiện nay, có 2 liệu pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Một là liệu pháp kết hợp 2 loại kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab và hai là kháng thể đơn dòng sotrovimab.
Tháng 11 năm ngoái, công ty dược phẩm Regeneron (Mỹ) công bố phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 có tên REGEN-COV. Thuốc này chứa 2 kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab. Kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 3 với 4.567 người tham gia công bố cuối tháng 3 cho thấy thuốc REGEN-COV làm giảm 70% nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 ở những người có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
Theo đó, FDA Hoa Kỳ đã cấp phép dùng khẩn cấp cho thuốc REGEN-COV để điều trị bệnh COVID-19 ở những người có triệu chứng nhẹ đến trung bình (từ 12 tuổi, cân nặng tối thiểu > 40kg) và những người có nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong. Chống chỉ định thuốc này cho những bệnh nhân COVID-19 nhập viện nặng và cần cung cấp oxy.
Ngoài ra, thuốc REGEN-COV cũng được cấp phép để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 ở những người có nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong. Những trường hợp này gồm những người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc những người bị suy giảm miễn dịch (kể cả những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch).
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định thuốc REGEN-COV không thể thay thế cho việc tiêm vắc xin COVID-19 và không được phép sử dụng dự phòng trước phơi nhiễm để ngăn ngừa COVID-19.
Một kháng thể đơn dòng khác được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 5 vừa qua là sotrovimab.
Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên 583 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình cho thấy tỉ lệ nhập viện hoặc tử vong của nhóm người điều trị với sotrovimab là 1% (3 trên 291 người) so với 7% (21 trên 292 người) ở nhóm điều trị với giả dược. Qua đó họ kết luận sotrovimab có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong đến 85%. Các khuyến cáo với thuốc sotrovimab cũng tương tự thuốc REGEN-COV.
Liệu pháp REGEN-COV sử dụng hỗn hợp hai kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab đã được áp dụng để điều trị cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông mắc COVID-19 vào năm 2020 - Ảnh: BLOOMBERG
Hiệu quả với Delta
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học uy tín NATURE do các nhà khoa học Viện Pasteur, Pháp thực hiện cho thấy tính hiệu quả của các kháng thể đơn dòng chống lại biến thể Delta.
Kết quả đáng mừng là thuốc kháng thể đơn dòng REGEN-COV vẫn còn hiệu quả trung hòa kháng nguyên đối với biến thể Delta (ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ), Alpha (Anh) và Beta (Nam Phi).
Tương tự, các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy thuốc sotrovimab vẫn duy trì tác dụng chống lại các biến thể SARS-CoV đang tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng cảnh báo về các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với thuốc REGEN-COV và sotrovimab. Trước hết là các phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong và sau khi truyền thuốc.
Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ khi có các triệu chứng như sốt; khó thở; mức oxy thấp trong máu; ớn lạnh; mệt mỏi; thay đổi nhịp tim; khó chịu hoặc đau ngực; buồn nôn; đau đầu; khó thở; huyết áp thay đổi; thở khò khè; sưng môi, mặt hoặc cổ họng; nổi phát ban; ngứa; đau cơ; chóng mặt; cảm thấy choáng; và đổ mồ hôi.
Ngoài ra, các tác dụng phụ của việc tiêm qua tĩnh mạch có thể bao gồm chảy máu, bầm tím da, đau nhức, sưng tấy, và có thể bị nhiễm trùng tại vị trí tiêm truyền.
Trên thực tế, đây chưa phải là tất cả các tác dụng phụ có thể có của các thuốc kháng thể đơn dòng này. Các tác dụng phụ nghiêm trọng và không mong muốn cũng có thể xảy ra.
Vì các thử nghiệm lâm sàng trên quần thể lớn đối với 2 sản phẩm này vẫn đang được thực hiện nên có thể tất cả các rủi ro khác chưa được biết đến tại thời điểm này.
Các thuốc kháng thể đơn dòng là một sự lựa chọn bổ sung trong điều trị dự phòng COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến trung bình, giúp ngăn ngừa diễn tiến bệnh nặng hoặc tử vong. Trong khi chờ đợi các bằng chứng rõ ràng hơn, việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam.
Theo tuoitre