leftcenterrightdel
 Tại các nước Đông Á, nhiều người ngoài 70 tuổi vẫn làm cùng lúc nhiều công việc.

Tại khu chợ nông sản trên một đảo nhỏ ở vịnh Tokyo, Oonami làm công việc bốc vác rau củ tươi sống lên các xe chở hàng. Việc thường xuyên phải nâng những bao hàng nặng 7 kg khiến ông đau mỏi, theo The New York Times.

Sau đó, Oonami vẫn chưa thể nghỉ ngơi mà tiếp tục chạy xe giao hàng khắp thành phố. "Miễn là cơ thể còn cho phép, tôi cần tiếp tục làm việc. Lao động ở độ tuổi này không vui chút nào, nhưng tôi phải làm để tồn tại", người đàn ông ngoài 70 tuổi nói.

Với dân số khắp Đông Á đang giảm, ngày càng nhiều lao động phải làm việc chăm chỉ ở độ tuổi 70 trở lên. Các công ty rất cần nhân công, và những nhân viên lớn tuổi cần công việc.

Nhật Bản và các nước láng giềng đã bắt đầu cảm nhận được những tác động, hậu quả sâu rộng của già hóa dân số, điều được các nhà nhân khẩu học dự báo trong nhiều năm qua.

Xã hội siêu lão hóa

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á, nơi người già cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc.

Ở Hàn Quốc, tỷ lệ nghèo khó của người lớn tuổi gần 40%, tương ứng với những người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc. Tại Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người già thì có một người vẫn đang đi làm.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổ chức làm việc tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi. Trong khi nhiều người phải làm việc vì nhu cầu tài chính kinh tế, thì người sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc hơn vào lực lượng này.

leftcenterrightdel
 Yoshihito Oonami làm việc tại một cửa hàng bán buôn sản phẩm tươi sống ở Tokyo. 

Để đối phó với cái mà các nhà nhân khẩu học gọi là "xã hội siêu lão hóa", các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào chính sách thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động.

Nhưng các biện pháp này không thể thay đổi xu hướng già hóa hay cải thiện đáng kể tỷ lệ sinh ở mức thấp.

Tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian. Những công nhân lớn tuổi đã được tuyển dụng để lấp đầy khoảng trống.

Koureisha, công ty ở Tokyo, có danh sách công việc riêng dành cho nhân viên từ 60 tuổi trở lên. Chủ tịch công ty Fumio Murazeki tin rằng các nhà tuyển dụng ngày càng phụ thuộc vào người lao động lớn tuổi. "Những người trên 65 tuổi, thậm chí có người trên 75 tuổi, vẫn rất năng động và khỏe mạnh".

Tại Tokyu, công ty quản lý tài sản cho các khu chung cư ở Tokyo, gần nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên, Hiroyuki Ikeda, trưởng phòng nhân sự cho biết. Với mức lương chỉ 2,3 triệu yên/năm (chưa đến 17.200 USD), công việc này không hấp dẫn những người lao động trẻ tuổi, trong khi người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn để có thêm nguồn thu nhập.

Nghỉ ngơi chỉ là một giấc mơ

Các phương tiện truyền thông thường giới thiệu những người lớn tuổi có công việc truyền cảm hứng hoặc điều hành các doanh nghiệp nhỏ thành công.

Nhưng thực tế, người lớn tuổi ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng nhiều khả năng trở thành nhân viên dọn dẹp văn phòng được trả lương thấp, nhân viên cửa hàng tạp hóa, tài xế dịch vụ giao hàng hoặc nhân viên bảo vệ.

Việc làm toàn thời gian, ổn định thường được dành cho những người tương đối trẻ, khiến nhóm lao động lớn tuổi phải làm các công việc hợp đồng lương thấp, bấp bênh.

Mức lương hưu thường không đủ để người lớn tuổi trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, lương hưu trung bình hàng tháng dưới 500 USD.

leftcenterrightdel
 Ở Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có một người đi làm. 

Li Man, 67 tuổi, buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 45, sau khi mất việc tại một kho lạnh ở Bắc Kinh. Công ty nói rằng làm việc trong môi trường có nhiệt độ thấp là quá nguy hiểm đối với bà.

Li cho rằng bà vẫn có thể làm công việc "trong thời kỳ đẹp nhất của đời mình" để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt cho con gái tại trường điện ảnh ở California. Sau đó, bà bắt đầu trông trẻ và bán các món ăn tự làm cho hàng xóm.

"Trở lại làm việc khiến tôi bớt lo lắng hơn", Li nói. Tuy nhiên, gần đây bà bị đau lưng và cao huyết áp. "Có lẽ đã đến lúc nghỉ ngơi".

Còn đối với Oonami, người giao rau củ ở Nhật Bản, nghỉ ngơi chỉ là một giấc mơ. Ông có ba con và hiện sống cùng con trai út, nhưng cuộc sống của con cái cũng không quá dư dả.

"Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà mình không làm việc", người đàn ông 73 tuổi chia sẻ.

Theo zingnews