Chiếc bập bênh xuyên biên giới của Ronald Rael - Ảnh: ART NEWS
Một chiếc bập bênh màu hồng xuyên hàng rào chắn giữa hai nước. Chiều chiều trẻ con quanh vùng ùa ra chơi với người hàng xóm sống bên kia.
Nếu nghệ thuật quả thật không có biên giới, tác phẩm của Ronald chắc phải là tuyên ngôn trực diện nhất. Thế nhưng, bập bênh của Ronald là để kết nối thế giới, còn "chiếc bập bênh màu da" của giới nghệ sĩ nói chung lại tựa một chiếc ghế luôn ngả nghiêng.
1. Không lĩnh vực nào được ưu ái trao tặng tính phi biên giới hơn nghệ thuật nếu căn cứ vào sự đa dạng chủng tộc của giới nghệ sĩ và những triển lãm quốc tế.
Thế nhưng, cũng ít ai quên được xưa kia thế giới nghệ thuật đã bảo thủ thế nào, số phận của họa sĩ nữ, tác phẩm của nghệ sĩ da màu, chỗ đứng của nghệ nhân châu Á, tất thảy đều xếp xó vào góc bụi. Ngày nay, cái quá khứ đó vẫn đeo bám giới nghệ thuật, có khi được che kín hơn và có khi trần trụi, thô thiển.
Vài tháng trước, một giám tuyển - nghệ sĩ người Việt bị gallery ngăn cản xuất hiện tại hội chợ triển lãm quốc tế Affordable Art Fair (London) với lập luận người châu Á là những kẻ mang virus và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý công chúng.
Sự việc gây phẫn nộ đến mức Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phải lên tiếng. Đây không phải lần đầu người ta xáo động vì một phát ngôn kiểu vậy, chừng ít lâu lại có một vụ hớ miệng mang theo sự miệt thị từ giới điện ảnh cho đến hội họa, sân khấu.
Bảo tàng nghệ thuật Baltimore đang vất vả vượt qua sự phản đối để sưu tập thêm tác phẩm của những nữ danh họa. Những nơi khác lại loay hoay không biết đặt tác phẩm của nghệ sĩ da đỏ bản địa ở đâu: bên cạnh hiện vật cổ thời tiền sử, trong khu vực lịch sử hay một ở không gian chung với nghệ thuật cùng thời.
Ấy mới chỉ nỗ lực sửa sai quá khứ, chưa kể đến những lần khoét sâu thêm ở hiện tại.
Tác phẩm George Floyd của họa sĩ minh họa Beeple - Nguồn: FACEBOOK nghệ sĩ
2. Khi người đàn ông mang tên George Floyd chết dưới đầu gối của những viên cảnh sát và nước Mỹ chìm trong bão lửa biểu tình, nghệ sĩ minh họa nổi tiếng thế giới Beeple đã nhìn vấn đề màu da theo một cách đặc biệt.
Tông trắng - đen trong những bức tranh, video hoạt họa không tô vẽ màu da của lực lượng cảnh sát hay người biểu tình mà là để ngụ ý cảnh hỗn loạn của đất nước và sự chao đảo của công lý.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giới nghệ sĩ cũng thực hiện những tác phẩm như vậy.
Những nghệ sĩ đương đại vẫn thường nói họ chỉ vẽ một nửa tác phẩm, nửa còn lại thành hình do công chúng. Nếu người xem bị lớp vỏ bọc màu da quấy nhiễu, hẳn sẽ chẳng có điều gì tiến bộ đến được tâm hồn vốn chỉ chia thành những tuýp màu đen - trắng - vàng tẻ nhạt.
3. "Nghệ thuật không biên giới" có thể là một trong những lời kêu gọi quyến rũ nhất của thế giới nghệ thuật, có khả năng thu hút nghệ sĩ từ mọi quốc gia, chủng tộc tham gia xây dựng một nền tảng mới, xóa nhòa các lằn ranh phân biệt, kỳ thị. Thế nhưng, từ khẩu hiệu đến giả hiệu chỉ cách nhau một đường kẻ mờ.
Những lần phát ngôn thiển cận của giới nghệ sĩ, cả sự thiếu quyết đoán của các bảo tàng và nhà đấu giá dường như khó đưa cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử trong nghệ thuật đi lên được nữa. Lẽ nào chúng ta mãi không thể bước ra khỏi chiếc bập bênh màu da như khao khát của mình?
Theo Tuổi Trẻ