leftcenterrightdel
 Quấy rối và phân biệt giới tính nơi làm việc là vấn đề nhức nhối. Ảnh:Shutterstock.

Theo nghiên cứu của Michael Page khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nạn quấy rối nơi công sở phổ biến nhất tại khu vực nhà nước và tổ chức phi lợi nhuận.

Báo cáo của công ty tuyển dụng Michael Page cho biết: "Phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi hoặc bị phân biệt đối xử nơi làm việc, và các công ty không thể hạn chế thăng tiến sự nghiệp cho nhân viên nữ nếu nghiêm túc với lợi nhuận của mình".

Khảo sát cũng cho thấy phần lớn nhân viên thuộc cộng đồng LGBT+ không cảm thấy thoải mái khi "sống đúng với giới tính thật của mình tại nơi làm việc", Financial Review đưa tin.

Theo thống kê, một nửa số người thuộc cộng đồng LGBT+ nói rằng họ không come out (công khai giới tính) nơi làm việc, trong khi 1/3 nhân viên nữ cảm thấy thiệt thòi trong công việc chỉ vì giới tính của mình, tỷ lệ cao nhất ghi nhận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sharmini Wainwright, giám đốc điều hành cấp cao của Michael Page tại Australia, cho biết phụ nữ coi các quốc gia như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản và Indonesia có nơi làm việc an toàn hơn Australia.

"Trước đây, Australia có thể được coi là quốc gia có văn hóa 'lên tiếng' cao hơn so với một số nước châu Á. Tôi không tin điều đó đúng nữa. Australia chỉ đang giữ vững thái độ của mình đối với phân biệt giới tính nơi làm việc", bà Wainwright.

Rae Cooper - giáo sư về giới, quan hệ công việc và việc làm tại Đại học Sydney - cho biết những phát hiện liên quan đến quấy rối giới tính tại nơi làm việc hỗ trợ cho nghiên cứu của riêng cô.

"Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một phần của hệ thống rộng lớn hơn về sự thiếu tôn trọng trên cơ sở giới", giáo sư Cooper nói.

leftcenterrightdel
 Nạn quấy rối tại nơi làm việc được ghi nhận nhiều nhất ở khu vực công và tổ chức phi lợi nhuận. Ảnh:Yan Krukov/Pexels.

Giáo sư Cooper cho biết có một nhóm tập trung gồm luật sư công ty, công chức cấp cao và nhà báo, những người nói chuyện cởi mở về mức độ phải trải qua các hành vi thiếu tôn trọng từng ngày, thậm chí từng giờ.

"Trong khi phụ nữ nói về các hành vi này một cách nghiêm túc, nhiều đàn ông phản ứng lại là họ chỉ nói cho vui và rằng phụ nữ không biết đùa", bà nói.

Theo bà Cooper, "văn hóa nam nhi" đã tràn ngập nơi làm việc tại nhiều nơi.

Kết quả nghiên cứu dựa trên khảo sát 17.000 chuyên gia của Michael Page khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, phụ nữ trong khu vực công cho biết bị quấy rối tình dục nhiều hơn bất kỳ nơi làm việc nào khác, tiếp đến là những người làm trong tổ chức phi lợi nhuận.

Bà Wainwright cho biết nhân viên trong khu vực công có thể dễ bị quấy rối hơn do tính chất thứ bậc của nó, còn các tổ chức phi lợi nhuận thiếu nguồn lực để giải quyết những vấn đề về quản trị và nhân sự.

Quấy rối tình dục và phân biệt giới tính tại nơi làm việc đã được xác định là một vấn đề đáng lo ngại trong ngành dịch vụ công suốt một thời gian, theo Melissa Donnelly, tổng thư ký của Liên minh Cộng đồng và Khu vực Công.

"Thực sự có những cơ hội để đạt được tiến bộ với cam kết của chính phủ trong việc thực hiện các khuyến nghị về 'tôn trọng tại nơi làm việc', bao gồm chủ động ngăn chặn và ứng phó thích đáng với quấy rối tình dục tại nơi làm việc", bà Donnelly bày tỏ.

Theo bà, khu vực nhà nước nên trở thành kiểu mẫu và dẫn đầu khi nói đến việc chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Còn rất nhiều thứ cần làm để đạt được mục tiêu đó.

Tuy nhiên, một nữ phát ngôn viên của Ủy ban Dịch vụ Công Australia (ASPC) đã bác bỏ kết quả nghiên cứu, nói rằng những hành vi như vậy là không được dung thứ, và nhận định báo cáo đã xem xét các lĩnh vực công ở châu Á - Thái Bình Dương và không tập trung vào nước này.

Người này nói thêm rằng dữ liệu mà ASPC thu thập được thấp hơn nhiều so với Michael Page: chỉ có 78 khiếu nại về quấy rối tình dục được các nhân viên APSC đưa ra trong năm tài chính 2020-2021.

Theo zingnews