Một đứa trẻ di cư chờ tàu đến Serbia tại Gevgelija, biên giới Macedonian-Hy Lạp. Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty
Gần 17 trẻ em di cư mất tích khỏi châu Âu mỗi ngày
Tờ The Guardian (Anh) và tập thể báo chí xuyên biên giới đã thực hiện một cuộc điều tra có tên Lost in Europe (Mất tích ở châu Âu). Dữ liệu cho thấy có 18.292 trẻ em di cư đến châu Âu mà không có người thân đi cùng đã biến mất khỏi châu lục này kể từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 17 trẻ mất tích mà không rõ lý do.
Hơn nữa, kết quả điều tra cũng cho thấy, cứ 6 người di cư thì có một người là trẻ em và dưới 15 tuổi. Theo các chuyên gia, dường như hợp tác trong việc di cư xuyên biên giới giữa các quốc gia không tồn tại vì số lượng trẻ em mất tích ngày càng nhiều và không rõ nguyên nhân.
Đáng ngạc nhiên, riêng năm 2020 đã có 5.768 trẻ em đã mất tích khỏi 13 quốc gia châu Âu. Hầu hết số lượng trẻ em mất tích trong 3 năm qua đến từ các quốc gia như Maroc, Algeria, Eritrea, Guinea và Afghanistan. Theo dữ liệu có sẵn, 90% là trẻ em trai và khoảng 1/6 trong số đó dưới 15 tuổi.
Một đứa trẻ tại trại dành cho người di cư và tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: Yara Nardi/Reuters
Ý nghĩa của cuộc điều tra
Dữ liệu của cuộc điều tra được thu thập từ 27 quốc gia châu Âu, Na Uy, Moldova, Thụy Sĩ và Anh. Tuy nhiên, thông tin được cung cấp không nhất quán hoặc không đầy đủ. Thực tế, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan chỉ cung cấp số liệu đến cuối năm 2019. Đan Mạch, Pháp và Anh không cung cấp bất cứ dữ liệu nào về trẻ em di cư không có người thân đi cùng bị mất tích. Điều này có nghĩa là số lượng trẻ em di cư mất tích trên thực tế cao hơn nhiều so với những gì được viết trong báo cáo.
Bà Federica Toscano, chủ tịch Ban Vận động và Di cư tại tổ chức Missing Children Europe, một tổ chức phi lợi nhuận kết nối các cơ quan cấp cơ sở trên khắp châu Âu, cho biết: "Số liệu thống kê này cực kỳ quan trọng để hiểu được quy mô vấn đề ở châu Âu. Số lượng trẻ em mất tích cao là một dấu hiệu của hệ thống bảo vệ trẻ em không hoạt động".
Bà Toscano cũng cho biết, trẻ em di cư không có người thân đi cùng là một trong số những đối tượng di cư dễ bị bóc lột, bạo lực và bị buôn bán nhất. Các tổ chức tội phạm đang ngày càng nhắm vào trẻ em nhập cư, đặc biệt là trẻ em nhập cư không có bất cứ người lớn nào đi cùng. Rất nhiều trường hợp các đối tượng trẻ em này trở thành nạn nhân của bóc lột lao động, cưỡng bức tình dục, bị ép phải đi ăn xin và trở thành nạn nhân của những phi vụ buôn người.
Đặc biệt, vào tháng 3/2019, tờ The Guardian và Lost in Europe đã phát hiện có ít nhất 60 trẻ em Việt Nam đã biến mất khỏi các trại tạm trú của Hà Lan. Các nhà chức trách Hà Lan cho rằng, những trẻ em này có thể đã bị bán vào nước Anh để làm việc trong các trang trại trồng cần sa và trong các tiệm làm móng tay.
Vì sao hàng nghìn trẻ em mất tích không có lý do?
Mặc dù hầu hết các quốc gia được truy xuất dữ liệu đều báo cáo chi tiết những hướng đi để giải quyết tình trạng trẻ em di cư mất tích, nhưng không phải lúc nào những chính sách này cũng hoạt động tốt trên thực tế.
Theo một báo cáo năm 2020 từ tổ chức Mạng lưới Di cư châu Âu thuộc Liên minh Châu Âu (EU), các vấn đề bao gồm: không theo dõi khi được thông báo về trẻ em di cư mất tích và không hợp tác toàn diện giữa cảnh sát và cơ quan tị nạn hoặc các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Bà Toscano cho biết thêm: "Có nhiều lý do khiến trẻ em mất tích, bao gồm các thủ tục phức tạp, mất thời gian để nhận được sự bảo vệ quốc tế hoặc có thể quay về nước với gia đình. Ngoài ra, có rất ít hồ sơ ghi lại vụ việc một trẻ em di cư nào đó mất tích, vì vậy người ta thường nghĩ chúng đang ở một nơi an toàn tại một quốc gia khác".
Một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết, tổ chức có mối quan tâm sâu sắc về số trẻ em di cư bị mất tích, từ đó sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên trong khu vực "hành động để ngăn chặn và ứng phó với tình trạng trẻ em di cư mất tích bằng cách cải thiện quá trình thu thập dữ liệu và tăng cường hợp tác quốc tế".
Phương Thanh