Chung tình cảnh hàng triệu người bị mất việc làm ở Thái Lan do dịch bệnh, Unyakarn Booprasert không còn một xu dính túi, cũng chẳng có bạn bè hay người thân nào có thể nhờ vả.
Người phụ nữ 59 tuổi phải chia một gói mì ăn liền thành 3 bữa ăn. Bà chỉ còn biết hy vọng vào số tiền 15.000 baht (487 USD) mà chính phủ hứa hỗ trợ trong vòng 3 tháng theo chương trình "Không ai bị bỏ lại", theo Channel News Asia.
Tuy nhiên, khi biết mình nằm trong số 15 triệu người nộp đơn không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, tháng 4/2020, Booprasert quyết định kêu gọi sự giúp đỡ ở cấp cao hơn.
"Khi tôi đến Bộ Tài chính Thái Lan trình bày, tất nhiên họ đã không nghe tôi", bà nói.
Bức xúc vì không được lắng nghe, Booprasert cố gắng tự sát bằng thuốc diệt chuột ngay trước tòa nhà của Bộ để phản đối. Sau sự việc, các nhà chức trách xem xét lại trường hợp của Booprasert và quyết định để bà đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
|
Bà Booprasert mất công việc dọn vệ sinh do đại dịch Covid-19 và không biết nương tựa vào ai. |
Trong bối cảnh dịch bệnh, số vụ tự sát ở Thái Lan tăng nhanh. Trong nửa đầu năm 2020, 2.551 người đã tự kết liễu cuộc đời, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các quan chức y tế, tình trạng này có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng do đại dịch.
Tại xứ Chùa Vàng, người làm trong ngành du lịch, người bán dâm, dân di cư là các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Du lịch quốc tế - chiếm 12% GDP của Thái Lan - gần như sụp đổ khi các lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại được áp dụng.
Với những người hành nghề mại dâm, nhà kinh tế Thanaporn Sriyakul cho biết họ có thể không được đăng ký an sinh xã hội và ít được tiếp cận với sự hỗ trợ của chính phủ.
Trong khi đó, những người di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc lại khó tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ. Họ có thể bị phân loại trong hồ sơ là nông dân và sẽ thuộc một chương trình hỗ trợ khác.
Vấn đề không mới
Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn Cơ quan Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y tế Công cộng, cho biết số vụ tự tử tại Thái Lan tăng vọt khoảng 20-25%, tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi Covid-19 gây ra khó khăn về kinh tế, Thái Lan đã là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Đông Nam Á.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019, tỷ lệ tự tử hàng năm của Thái Lan là 14,4/100.000 dân, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 10,5/100.000.
Cứ 10 phút lại có một vụ tự tử ở Thái Lan.
|
Thái Lan có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Đông Nam Á. |
Trong đại dịch, các đường dây nóng về tự sát ở Thái Lan liên tục quá tải. Chotpitayasunondh cho biết ngay cả khi Cơ quan Sức khỏe Tâm thần tăng gấp đôi số đường dây lên 20, cũng phải mất 10-12 phút để người gọi có thể nhận được hồi âm.
“Một số người không muốn đợi lâu như vậy, họ muốn được tư vấn trong khoảng 5 phút nhưng như thế là rất khó. Tỷ lệ bỏ lỡ cuộc gọi đường dây nóng hiện nay vẫn ở khoảng 40-45%", anh cho biết.
Chính phủ Thái Lan hiện cũng nỗ lực hỗ trợ những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, ví dụ như cung cấp dịch vụ khám, điều trị với giá khoảng 30 baht thông qua bảo hiểm y tế.
Dù vậy, Thái Lan vẫn cần khắc phục nhiều lỗ hổng như tình trạng thiếu nhân viên y tế tâm thần, thời gian chờ đợi lâu tại các bệnh viện công và chi phí điều trị cao hơn nhiều ở các bệnh viện tư nhân.
Nỗ lực
Chotpitayasunondh nhận định sự tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần và các nguồn lực là rất quan trọng.
Chính phủ Thái Lan đang hợp tác với các nhóm phi lợi nhuận, công ty công nghệ và thậm chí cả ngành công nghiệp giải trí để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần, giảm tỷ lệ tự sát ở quốc gia này.
Để tiếp cận người dân, chính phủ đã thành lập một nhóm hoạt động gọi là "Đội đặc nhiệm hy vọng", sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Line để liên lạc với những người cần giúp đỡ.
Các nền tảng này cung cấp nhiều kênh trợ giúp hơn và cho phép các tình nguyện viên, chuyên gia sức khỏe tâm thần phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Ví dụ, họ có thể trò chuyện trực tuyến với nhiều người cùng một lúc.
|
Chính phủ Thái Lan tìm cách kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. |
Cơ quan Sức khỏe Tâm thần cũng phát triển ứng dụng kiểm tra sức khỏe tâm thần. Người dùng có thể trả lời loạt câu hỏi về các chủ đề tự chọn, bao gồm kiệt sức, mức độ căng thẳng và trầm cảm.
Amornthep “Sanju” Sachamuneewongse (30 tuổi) từng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và tự tử bất thành.
Sau trải nghiệm của bản thân và nhận thấy sự thiếu hụt các nhân viên y tế trong ngành này, anh tạo ra một ứng dụng trên thiết bị di động hoạt động như đường dây nóng kỹ thuật số. Nó sẽ hỗ trợ những người dùng có vấn đề về sức khỏe tâm thần trò chuyện, nhận tư vấn từ người có chuyên môn.
Để tiếp cận với giới trẻ nói riêng, năm 2020, các nhà chức trách Thái Lan còn hợp tác với UNICEF và nền tảng âm nhạc Joox trong một chiến dịch mang tên The Sound of Happiness, ra mắt các podcast, bài hát và mời những người nổi tiếng nói về sức khỏe tâm thần.
"Tự tử và sức khỏe tâm thần nên là 'vấn đề của mọi người'. Chúng ta có thể giải quyết nó bằng cách mời nhiều bên, nói chuyện với nhiều người, hợp tác giữa các tổ chức quan tâm đến sức khỏe tâm thần và để mọi người đến với nhau, giúp đỡ lẫn nhau", Chotpitayasunondh nói.
Theo Zing