leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: mattran.org.vn

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đã chủ trì cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới đã tham gia chuyến thăm Trường Sa từ ngày 17/5 đến ngày 25/5/2022.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba lan cho biết, ông đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa chuyến đi nào làm cho ông cảm thấy xúc động như thế.

“Giữa biển đảo quê hương, tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại Trường Sa. Những chiến sĩ tuổi đời rất trẻ nhưng đã sẵn sàng cống hiến sức mình để bảo vệ chủ quyền của quê hương, đất nước. Đặc biệt được lắng nghe những câu chuyện của những chiến sĩ tại Trường Sa đang bảo vệ những đảo chìm mới thấy rõ được sự đồng lòng, chung sức của những chiến sĩ để cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ biển đảo quê hương”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Bà Vũ Thị Vân Anh, kiều bào tại Hà Lan xúc động khi xem lại bức ảnh về trường học tại Trường Sa.

“Những cảm xúc này sẽ đồng hành cùng tôi khi truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới mỗi sinh viên tại Hà Lan, để từ đó mỗi người trên thế giới hiểu được cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa. Khi về Hà Lan, tôi sẽ xây dựng một Câu lạc bộ Trường Sa tại Hà Lan để có thêm nhiều người đóng góp sáng kiến, góp sức mình vào việc nghiên cứu cải tạo nguồn nước ngọt, năng lượng gió,… để tiếp sức cho Trường Sa thân yêu”, bà Vũ Thị Vân Anh nói.

Ông Nguyễn Trọng Đức, kiều bào tại Hoa Kỳ bày tỏ, những tháng ngày đến với Trường Sa đã mang đến cho mỗi người trên chuyến hải trình nhiều cảm xúc dâng trào. Chuyến đi Trường Sa đã cho ông Đức cơ hội được mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, điều mà ông chưa làm được trong suốt 50 qua.

“Khi trở về từ chuyến tàu Trường Sa, tôi đã khóc, bởi những người xa quê hương như chúng tôi luôn mong muốn được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đã xin chữ ký của từng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lên lá cờ Việt Nam tôi mang theo, đây là lá cờ tôi sẽ khoác lên vai khi trở về Hoa Kỳ. Mong Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho kiều bào xa xứ được đến với Trường Sa, đặc biệt là đối với hơn 2 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ được một lần đến với Trường Sa”, ông Đức xúc động chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Trọng Đức, Kiều bào tại Hoa Kỳ sẻ chia hình ảnh lá cờ Tổ quốc in hình chữ ký của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: mattran.org.vn

Chào mừng đoàn đến với ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, là người đã từng đi Trường Sa và hiểu được cảm giác thiêng liêng, những cảm xúc dâng trào khi đặt chân lên tàu để đến với từng hòn đảo trong chuyến hải trình Trường Sa, khi được gặp những chiến sĩ, bà con đang sinh sống tại Trường Sa. Cảm xúc đó cũng giống như những người đang làm việc trong ngôi nhà đại đoàn kết MTTQ Việt Nam được gặp bà con kiều bào trên khắp thế giới.

leftcenterrightdel
 Kiều bào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: mattran.org.vn

“Mỗi hải trình về với Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn là động lực để bà con kiều bào tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau, về cả vật chất và tinh thần cho Tổ quốc. Các đại biểu đã chia sẻ với nhau về cuộc sống của mình tại nước ở tại, đoàn kết, gắn kết kiều bào các vùng, địa bàn trên thế giới, hóa giải những khác biệt, chính kiến, hòa hợp cùng nhau để nói đúng sự thật, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử, nhất là về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài bày tỏ.

Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam - Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đây là chuyến thăm đầu tiên được nối lại sau 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và đang từng bước thích nghi với tình trạng bình thường mới. Năm 2022 cũng là dịp kỷ niệm 10 năm chương trình Kiều bào về thăm Trường Sa. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, tạo điều kiện cho bà con kiều bào được thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và quân, dân ở Trường Sa; đồng thời gửi gắm thông điệp hơn 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về Trường Sa bằng những tình cảm thân thương, thiết thực nhất.

“Nhiều kiều bào đã chia sẻ cảm xúc thiêng liêng và xúc động khi lần đầu tiên được mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng bước lên tàu khởi hành đến Trường Sa, đồng thời bày tỏ mong muốn MTTQ Việt Nam sẽ đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này để kết nối tấm lòng kiều bào hướng về quê hương”, ông Ngô Hướng Nam nói.

Đại sứ Ngô Hướng Nam chia sẻ, sau chuyến thăm mỗi kiều bào sẽ là một sứ giả để lan tỏa ngọn lửa yêu Trường Sa, tinh thần yêu Trường Sa tới kiều bào trên khắp thế giới. Cùng với đó, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được kết nối bằng cảm nhận thiêng liêng của mỗi người khi đặt chân đến huyện đảo Trường Sa về sự gắn kết giữa quân với dân, giữa đất liền và biển đảo, giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước là một.

Theo thoidai