Cảnh sát Campuchia chặn người lái xe máy tại một chốt kiểm soát dịch ở thủ đô Phnom Penh ngày 16-4 - Ảnh: Reuters

Tình hình dịch bệnh căng thẳng ở Campuchia và Thái Lan khiến các nước láng giềng cũng không yên, đặc biệt là Lào và Việt Nam.

Tăng cường tuần tra biên giới

Theo báo Laotian Times ngày 16-4, tỉnh Salavanh và Savannakhet được đặt trong tình trạng báo động sau khi có hai người vượt biên trái phép từ Thái Lan. "Nguy cơ rất cao dịch bùng phát có thể lan vào Lào vì người dân thờ ơ, bất cẩn, phớt lờ các hướng dẫn của lực lượng chống dịch" - Phó thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune nói.

Ông Kikeo nhấn mạnh giới chức nước này sẽ tăng cường tuần tra biên giới, bên cạnh việc siết chặt các biện pháp khác như hạn chế tụ tập đông người, đi lại và yêu cầu đeo khẩu trang, giữ vệ sinh.

Trong khi đó, Việt Nam cũng tăng cường "khóa chặt" biên giới, nhất là sau khi Bộ Y tế công bố 2 người nhập cảnh trái phép ở huyện An Phú (An Giang) đã có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 hôm 15-4.

Ngày 16-4, phóng viên Tuổi Trẻ trở lại khu vực cửa khẩu Khánh Bình (hay còn gọi là Long Bình, thuộc huyện An Phú, An Giang) - nơi 2 người nhiễm COVID-19 trở về từ Campuchia. Thượng tá Nguyễn Hoài Linh - chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình - cho biết đồn này quản lý đường biên giới dài 15,3km, được chia làm 35 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu này vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát cửa khẩu đã siết chặt hơn nữa việc phun, xịt khử trùng các xe Campuchia qua Việt Nam nhận hàng hóa. Tài xế phải mặc đồ bảo hộ trong suốt quá trình di chuyển và được đưa vào khu cách ly riêng cho tài xế.

Theo đại tá Nguyễn Thượng Lễ - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, bên cạnh chỉ đạo toàn lực lượng biên phòng tỉnh này tăng cường kiểm soát, tuần tra biên giới nhiều hơn, cơ quan này cũng đã kiến nghị Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng tăng cường quân và hỗ trợ thêm trang thiết bị phục vụ cho việc phòng chống dịch của các tổ, chốt biên giới trong thời gian tới.

Thái Lan, Campuchia trấn an dân

Tất cả 262 ca bệnh mới ở Campuchia đều liên quan "sự kiện cộng đồng ngày 20-2", trong đó 232 ca ở thủ đô Phnom Penh - nơi đang trong giai đoạn phong tỏa 14 ngày kể từ 0h ngày 15-4. Nước này cũng có thêm 2 người chết, bao gồm Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia Mao Ayuth (77 tuổi).

Ngoài Phnom Penh và thành phố Ta Khmau (tỉnh Kandal) nằm gần đó, chính quyền Campuchia ngày 16-4 cũng thông báo phong tỏa 3 khu dân cư ở thành phố Siem Reap, cấm mọi người dân rời khỏi nhà trừ những trường hợp khẩn cấp.

Tại Phnom Penh, đô trưởng Khuong cho biết sẽ gia hạn phong tỏa thủ đô nếu lệnh phong tỏa 2 tuần hiện đang áp dụng không hiệu quả. "Đây là một quyết định khó khăn, nhưng thà chịu đựng một thời gian ngắn để đỡ hơn về sau" - ông nói. Ông Khuong khẳng định thủ đô sẽ đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. 

"Chúng ta đang bên bờ vực sinh tử. Nếu chúng ta không chung tay với nhau, chúng ta sẽ lao vào chết chóc thật sự" - Thủ tướng Hun Sen cảnh báo trên truyền hình Campuchia. Ông Hun Sen cũng trấn an người dân không nên quá lo sợ bởi việc phong tỏa nhằm chống dịch và nhiều dịch vụ thiết yếu vẫn được duy trì.

Tại Thái Lan, hầu hết các ca mới ngày 16-4, cao nhất kể từ đầu dịch đến nay, là lây nhiễm trong cộng đồng, buộc nước này phải cân nhắc việc đóng cửa nhà hàng ở các vùng nguy cơ cao, cấm tụ tập đông người, cho học trực tuyến.

Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Anutin Chanvirakul nói rằng Chính phủ Thái Lan tự tin không cần phong tỏa toàn quốc vẫn vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay. "Chúng tôi không thấy lý do để quyết định phong tỏa lúc này. Điều chúng ta cần hiện nay là mọi người ít đi lại hơn. Nếu làm được, chúng ta sẽ thấy số ca nhiễm giảm trong tháng sau" - Bangkok Post dẫn lời ông Anutin.

Theo tuoitre