Phán quyết xóa bỏ quyền phá thai theo hiến pháp đã tồn tại từ năm thập niên trước đã đưa Mỹ gia nhập nhóm những quốc gia khác biệt hạn chế chính sách phá thai, cùng với Ba Lan, El Salvador và Nicaragua. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định, việc hình sự hóa các vụ phá thai sẽ không ngăn chặn được chúng, mà còn có thể khiến phụ nữ và trẻ em tử vong nhiều hơn. 

Thế giới bày tỏ sự thất vọng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc phá thai an toàn là cần thiết và việc loại bỏ nó sẽ “khiến nhiều phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ phá thai bất hợp pháp, thiếu an toàn”. Riêng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter rằng, ông “lo lắng và thất vọng” trước phán quyết. Động thái này cũng được mô tả là “một đòn thảm khốc đối với cuộc sống của hàng triệu phụ nữ, trẻ em gái và người mang thai”, trong một tuyên bố được ký bởi hơn 100 tổ chức y tế toàn cầu.

leftcenterrightdel
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Tòa án Tối cao ở Washington hôm 24/6 sau khi hội đồng thẩm phán quyết định đảo ngược án lệ Roe kiện Wade - Ảnh: AP 

Theo MSI Replictive Choices - tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ tránh thai và phá thai an toàn tại 37 quốc gia trên thế giới - “các quyết định được đưa ra ở Mỹ có tác động vượt xa biên giới của họ”. Thật vậy, phán quyết có thể thúc đẩy các phong trào chống phá thai ở nhiều nơi, hạn chế các chiến dịch tiếp cận quyền phá thai và làm phức tạp khía cạnh chính trị xung quanh quyền của phụ nữ. Những người ủng hộ quyền phá thai có thể phải gồng mình hứng chịu một làn sóng hậu quả.

Động thái này cũng đi ngược xu hướng toàn cầu. Kể từ những năm 1990, khoảng 60 quốc gia đã mở rộng luật hoặc chính sách liên quan đến quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản cho phụ nữ. Chỉ riêng Ba Lan, El Salvador và Nicaragua quay trở lại các quy tắc trước đây hạn chế quyền phá thai. Các nước như Argentina, Mexico và Colombia đã tăng cường quyền phá thai, bất chấp sự phản đối gay gắt từ lâu trên khía cạnh tôn giáo. 

Tại Bangladesh, tác động từ phán quyết ở Mỹ bắt đầu nổi lên. Một tổ chức địa phương báo cáo rằng trong vòng 24 giờ kể từ khi dự thảo ý kiến của Tòa án Tối cao Mỹ bị rò rỉ vào tháng trước, các nhóm phản đối mở rộng quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản đã sử dụng điều đó làm bằng chứng để nói rằng, tiếp cận phá thai không phải là điều mà Bangladesh nên tiến tới. Shama Karkal - Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế Swasti Health Catalyst ở Ấn Độ - cho biết, có nhiều lo ngại về việc quyết định này có thể làm gia tăng sự kỳ thị liên quan đến phá thai, ngay cả ở những quốc gia vốn cho rằng đó là quyền cơ bản. 

Mối nguy cho sức khỏe phụ nữ và trẻ em

Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ có thể đồng nghĩa với việc cắt giảm chi tiêu nhiều hơn cho các khoản viện trợ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính toàn diện và các chương trình sức khỏe cộng đồng liên quan đến giới tính. Ở những quốc gia mà viện trợ của Mỹ chiếm một lượng đáng kể trong ngân sách chăm sóc sức khỏe, nhu cầu về nguồn vốn ổn định quan trọng hơn các đề xuất chính sách. Liên tục trong nhiều thập niên, cái gọi là Quy tắc Thành phố Mexico đã ngăn cản các tổ chức phi chính phủ sử dụng tiền tài trợ của Mỹ để quảng bá hoặc thực hiện phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Vào tháng 1/2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ quy tắc này.

Có rất nhiều lo ngại khi xem xét vấn đề dưới khía cạnh những tác động phụ cũng như việc tiếp cận với các phương pháp phá thai an toàn bị hạn chế. Có thể thấy kết quả từ phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ không giúp giảm số ca phá thai trên toàn cầu, mà chỉ đẩy nhanh những ca phá thai không an toàn và không được kiểm soát. Điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và thể chất cho hàng triệu gia đình. Điều này cũng có thể dẫn đến chết người. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, 45% ca phá thai trên thế giới không an toàn, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người mẹ. 

Hạn chế quyền phá thai cũng có thể phản tác dụng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, tỷ lệ phá thai đã giảm 43% trong những năm từ 1990 đến 2019 ở những nơi mà việc phá thai được xem là hợp pháp, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, tỷ lệ phá thai tăng khoảng 12% “ở các quốc gia hạn chế khả năng nạo phá thai”. Các chuyên gia cho biết việc ép buộc phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục mang thai ngoài ý muốn cũng sẽ có tác động tiêu cực đến vấn đề giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. 

Theo phunuonline