Hơn 2.000 chuyên gia vừa kết thúc 1 trong những cuộc họp lớn nhất toàn cầu về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa mà nhân loại đang phải đối mặt. Bà Jyoti Mathur-Filipp, thư ký điều hành của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) về nhựa cho biết: “Thế giới cần hiệp ước này vì chúng ta đang sản xuất hàng tỉ tấn nhựa mỗi năm, hoàn toàn không có cách nào để bảo đảm rằng các loại nhựa này không được thải ra môi trường".

Các đại biểu từ hơn 150 quốc gia, từ các đại diện ngành công nghiệp nhựa, nhà hoạt động môi trường, nhà khoa học đến công nhân vệ sinh, thủ lĩnh bộ lạc và những cá nhân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa, đã tham dự cuộc họp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Đây mới là cuộc họp thứ nhất trong chuỗi 5 cuộc họp dự kiến được tổ chức trong 2 năm tới.

Các bên tham dự vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (ACC) dẫn đầu quan điểm của phía những nhà sản xuất công nghiệp. Ông Joshua Baca, Phó chủ tịch phụ trách ngành nhựa của ACC cho biết, các công ty cũng muốn hợp tác với chính quyền vì chính họ cũng bị tác động bởi ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không hỗ trợ các điều khoản hạn chế sản xuất nhựa, như một số quốc gia mong muốn. “Thách thức rất đơn giản. Hãy cùng làm việc để đảm bảo rằng nhựa đã qua sử dụng sẽ không bao giờ bị thải ra môi trường”, ông Baca giải thích. 

 
leftcenterrightdel
 Rác thải nhựa tràn ngập bãi biển Yarakh, Dakar, Senegal - Ảnh: AP
Đại biểu Ả Rập Xê Út cho rằng, mỗi quốc gia nên xác định kế hoạch hành động của riêng mình, vì không có tiêu chuẩn hoặc sự hài hòa giữa chương trình của các nước. Đại biểu này lưu ý, nhựa vẫn đóng 1 vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, nên hiệp ước nào cũng phải công nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục sản xuất nhựa, đồng thời thừa nhận gốc rễ của vấn đề là sự quản lý rác thải kém. Đại biểu Trung Quốc nhận định, sẽ khó kiểm soát hiệu quả ô nhiễm rác thải nhựa dựa trên một hoặc một vài cách tiếp cận phổ quát.

Tuy nhiên, ông Andrés Del Castillo, luật sư cấp cao tại Trung tâm Môi trường Quốc tế (INL) cho biết, mặc dù kế hoạch riêng của từng quốc gia vẫn quan trọng nhưng chúng không nên là xương sống của hiệp ước chống rác thải nhựa, bởi vì đó chính là hệ thống làm việc, ít hoặc nhiều, mà thế giới hiện nay đã có sẵn. “Chúng tôi thấy không cần thiết phải tổ chức họp giữa các chuyên gia trên thế giới tới 5 lần chỉ để thảo luận về các hành động tự nguyện, trong khi chúng ta cần các biện pháp cụ thể để giảm thiểu, rồi loại bỏ ô nhiễm nhựa trên thế giới.”-  ông Del Castillo nói.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã viết trên Twitter: “Nhựa cũng là một hình thái của nhiên liệu hóa thạch và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền con người, khí hậu và đa dạng sinh học”.

Liên minh của một số nước dẫn đầu bởi Na Uy và Rwanda đặt mục tiêu chấm dứt nạn ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Đại biểu Na Uy nêu quan điểm, phải hạn chế sản xuất và sử dụng nhựa, với ưu tiên hàng đầu là xác định loại sản phẩm nhựa, polyme và phụ gia hóa học nào sẽ nhanh chóng mang lại lợi ích nhất nếu được loại bỏ dần.

Các quốc gia châu Phi, Thụy Sĩ, Costa Rica, Ecuador, Peru và một số nước khác cũng kêu gọi cách tiếp cận toàn cầu, với lập luận là các quốc gia chỉ hành động tự nguyện và rời rạc sẽ không giải quyết được ô nhiễm nhựa. Các đảo quốc nhỏ dựa vào đại dương để duy trì nguồn thực phẩm và sinh kế đã phản ánh tình cảnh bờ biển của họ tràn ngập rác thải nhựa. Còn các nước đang phát triển cho biết, họ cần hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa kế hoạch hành động giải quyết ô nhiễm nhựa.

Ông Frankie Orona - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quốc gia Bản địa (SNN) ở bang Texas, Hoa Kỳ cho biết: “Vẫn còn sự thiếu hòa hợp từ những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ ngành công nghiệp nhựa. Họ cần phải ngồi vào bàn cùng nhau”. Ông nói thêm: “Họ đã đề ra giải pháp nhiều lần trước đó rồi”. Theo đó, các cuộc đàm phán hiện nay vẫn chỉ tập trung vào mục tiêu giảm rác thải nhựa, trong khi các chính phủ cần tập trung vào mục tiêu cao hơn. “Chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn nhựa”, ông Orona kết luận.

Bà Mathur-Filipp cho biết, trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến được tổ chức trong mùa xuân năm 2023 ở Pháp, bà sẽ soạn 1 dự thảo về thỏa thuận ràng buộc pháp lý cho hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, những người tổ chức cuộc họp không muốn việc này phải kéo dài cả thập niên.

Theo  phụ nữ TPHCM