Bà Madhvi Aya (ngoài cùng bên trái) bên con gái và chồng. Ảnh: Nytimes.

Madhvi từng là bác sĩ ở Ấn Độ, sau đó nhập cư vào Mỹ rồi trở thành trợ lý bác sĩ tại Trung tâm y tế Woodhull, một bệnh viện công ở Brooklyn, suốt 10 năm qua. Tại đây, bà chứng kiến cách mà Covid-19 tạo ra cơn khủng hoảng làm chao đảo cả thành phố.

Trong những ngày cuối cùng của ca trực, là một người chăm sóc các bệnh nhân, cuối cùng bà Aya bị đổ bệnh.

Bà Aya (61 tuổi) chỉ có một mình trong bệnh viện. Chồng và con gái 18 tuổi không thể tới thăm dù ở cách nơi bà điều trị không xa. Bà không nhận được sự an ủi từ những đồng nghiệp quen thuộc bởi bà được chuyển tới một cơ sở khác gần nhà. Trong một dòng tin nhắn gửi cho gia đình, bà mô tả về những cơn đau ngực dữ dội khi gắng gượng rời khỏi giường. "Tình trạng của em không được cải thiện", bà nhắn tin cho chồng, ông Raj, vào ngày 23/3.

Khi bà ngày càng ốm yếu đi, những dòng tin nhắn cả bà cũng thưa dần và ngắn đi.

"Con nhớ mẹ", con gái của bà, Minnoli, gửi vào hôm 25/3. Cô khao khát những cái ôm của mẹ, được trèo lên giường nằm bên cạnh. "Đừng từ bỏ hy vọng mẹ nhé vì con cũng chưa từ bỏ. Con cần mẹ. Con cần mẹ trở về với con".

"Mẹ yêu con", bà Aya nhắn lại cho con gái vào ngày hôm sau. "Mẹ sẽ trở về".

Nhưng bà Aya không thể giữ lời hứa đó.

Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Mỹ đối diện với nguy cơ cao nhiễm nCoV và thực tế, hàng nghìn người đã nhiễm bệnh. Nhưng không rõ bao nhiêu người đã chết vì Covid-19 ở New York sau khu chăm sóc các bệnh nhân. Giới chức y tế gần như không công khai danh tính của các nhân viên này.

Bà Aya ban đầu chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ và bà chủ động tự cách ly tại nhà. Nhưng bệnh nhanh chóng trở nặng và bà phải mòn mỏi chờ đợi để được chăm sóc rồi chết trong cô độc. "Bà ấy luôn ở bên bất cứ lúc nào chúng tôi cần. Nhưng khi bà ấy ốm, chúng tôi không thể ở bên cạnh", ông Raj nói.

Aya chuyển tới Mỹ đoàn tụ với chồng vào năm 1994, người đã nhập cư vào Mỹ từ 10 năm trước và hai người gặp nhau trong một lần ông về Ấn Độ. Bà làm việc tại bệnh viện Woodhull năm 2008 và trở thành trợ lý bác sĩ cao cấp. Các đồng nghiệp cho biết bà thường xuyên giúp đỡ các y bác sĩ trẻ tuổi bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm quý báu thời bà còn làm bác sĩ gây mê và nội khoa ở Ấn Độ.

"Đây thực sự là một mất mát lớn đối với chúng tôi", bác sĩ Robert Chin - Giám đốc khoa cấp cứu ở bệnh viện Woodhull, viết trong một email nội bộ vào ngày 1/4, kêu gọi quyên góp hỗ trợ gia đình Aya, bởi bà là người tạo thu nhập chính cho cả nhà.

Giống nhiều bệnh viện khác, Woodhull đã chuyển đổi một khoa thành khu chăm sóc đặc biệt tạm thời kể từ thời điểm virus bùng phát ở New York. Khi bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu máy thở, đồ bảo hộ cho y bác sĩ, họ đã nhờ các trung tâm y tế liên kết giúp đỡ và chuyển bệnh nhân đi nơi khác.

Vào tuần mà bà Aya qua đời, riêng khoa cấp cứu của Woodhull có 20 bệnh nhân dùng máy thở, theo bác sĩ Chin.

Một nhân viên khác của Woodhull, nhân viên X quang tên là Thomas Soto, qua đời vì nhiễm nCoV tuần trước, 12 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Ông Soto (59 tuổi) đã làm việc ở bệnh viện hàng chục năm và chuẩn bị nghỉ hưu. "Lý do duy nhất mà cha tôi cố gắng làm thêm một năm là để nhận toàn bộ lương hưu. Tôi đã mất bố vì điều đó", Jonathan Soto, người con trai cả của ông Thomas nói trong nước mắt.

Một cựu sĩ quan cảnh sát bệnh viện, Herb A. Houchen (35 tuổi) cũng qua đời. Ông làm việc tại bệnh viện Woodhull hơn 5 năm và để lại cô con gái 11 tuổi.

Xe cứu thương xếp hàng ở bên ngoài Trung tâm y tế Woodhull ở Brooklyn.

Con gái Aya, Minnoli, cho biết cảm xúc của cô chuyển từ đau buồn khôn xiết sang hoài nghi. Cô giận dữ với hệ thống y tế vì nghĩ rằng họ không bảo vệ những nhân viên tuyến đầu. Đôi lúc, cô giận mẹ mình vì đã không trở về nhà.

Không có cách nào để xác định bà Aya lây nhiễm theo con đường nào. Hồi đầu tháng 3, các nhân viên tuyến đầu chưa được hướng dẫn đeo khẩu trang bảo vệ cho tất cả bệnh nhân, một nhân viên bệnh viện Woodhull cho biết. Sau đó, khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, các bệnh viện nhận ra những người đến vì các vấn đề sức khỏe không liên quan vẫn dương tính với nCoV và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên bệnh viện.

Ngày 17/3, Ban quản lý bệnh viện Woodhull khuyến cáo nhân viên khoa cấp cứu đeo khẩu trang cho tất cả bệnh nhân. Một phát ngôn viên Tập đoàn Y khoa và bệnh viện New York, đơn vị giám sát Woodhull, cho biết thiết bị bảo hộ luôn có sẵn cho nhân viên của họ.

Những ca làm việc tại bệnh viện thường xuyên vắt kiệt sức Aya. Chồng bà lái xe đưa bà đi làm từ nhà của họ ở Floral Park vào khoảng 6h sáng và đón vợ sau khoảng 12 tiếng để bà tranh thủ nghỉ ngơi trong xe. "Chúng tôi phải chăm sóc bệnh nhân trước", bà thường nói.

Khi dịch bắt đầu bùng phát, bà Aya lo lắng về việc mang virus về nhà cho người chồng 64 tuổi và bà mẹ 86 tuổi, Malti Masrani, người vừa trải qua cơn đột quỵ vào cuối năm ngoái.

Minnoli trong sân nhà ở Floral Park, New York. Ảnh: Nytimes.

Bà bắt đầu ho vào khoảng thời gian của ca làm việc cuối cùng ngày 12/3. Ông Raj chở bà đến bệnh viện vào tối hôm sau đó để xét nghiệm nCoV. Những ngày sau đó, họ cách ly với nhau, mỗi người ở một tầng. Các thành viên trong gia đình cho biết, bà không có bất cứ bệnh lý nền nào.

Nhưng cơn ho của bà trở nên tồi tệ hơn khi ở nhà và bị sốt. Đầu giờ chiều ngày 18/3, ông Raj đưa vợ đến Trung tâm Y tế Do Thái Long Island gần nhà. Kể từ đó, ông không gặp lại bà.

Suốt một tiếng rưỡi ngồi trong xe đợi, ông liên tục nhắn tin hỏi han tình hình của vợ, xem kết quả chụp X-quang. "Anh về đi, em đang đợi, em sẽ gọi lại", bà nhắn tin cho chồng.

4:47 sáng ngày hôm sau, Aya nhắn tin rằng cô vẫn chờ xếp giường. Ông Raj ngỏ ý muốn đem cafe cho vợ nhưng bà từ chối. Bà bảo rằng kết quả xét nghiệm nCoV vừa tới, là dương tính. "Anh rất tiếc khi nghe điều này", ông Raj trả lời. Họ nói chuyện qua điện thoại, và bà Aya bảo ông hãy chăm sóc mẹ và đón con gái đi học về.

Ngày hôm sau, Minnoli trở về từ Đại học Buffalo, nơi cô là sinh viên năm nhất. Cô tin rằng mẹ cô bị viêm phổi và muốn trở về không thông báo trước để làm mẹ bất ngờ. Về đến nhà, Minnoli mới biết bà bị nhiễm Covid-19.

"Tôi ngồi sụp xuống nền nhà, trái tim vỡ vụn", cô gái kể.

Trong suốt tuần sau đó, Minnoli nhắn tin với mẹ, trong khi tình trạng của bà liên tục xấu đi. Bác sĩ gọi cho chồng bà mỗi ngày. Đến cuối tuần, bà ngày càng khó thở.

Đến ngày 29/3, các bác sĩ sẵn sàng để bà Aya dùng máy thở. Nhưng một biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nên họ hỏi ông Raj có muốn gặp vợ không, bởi rất có thể đây sẽ là lần cuối. Ông sợ mình sẽ nhiễm virus và với căn bệnh tim, ông sợ phải bỏ Minnoli ở lại một mình.

Quyết định không gặp vợ vẫn khiến ông day dứt. Chiều hôm đó, bệnh viện gọi điện thông báo vợ ông không qua khỏi.

Minnoli, cha cô và bà không thể ôm nhau bởi họ được yêu cầu đứng cách xa tối thiểu 2m, kể cả sống cùng nhà. Họ cũng không thể tổ chức một đám tang tử tế khi không có ai đến dự. Họ quyết định hỏa táng.

Những dòng tin nhắn của Minnoli với mẹ. Ảnh: Nytimes.

Ngay cả khi mẹ qua đời, Minnoli vẫn nhắn tin tới số của bà. "Con nhớ mẹ", cô viết trước khi lên giường đi ngủ vào đêm bà mất. Thức dậy vào sáng hôm sau, cô lại gửi: "Cảm ơn mẹ vì đã đến với con trong giấc mơ đêm qua".

Trong những tuần sau khi bà qua đời, Minnoli vẫn miệt mài chìm đắm giữa nhắn tin của cô và mẹ. "Chào mẹ. Đại học đang trở nên căng thẳng hơn rất nhiều vì con phải học ở nhà. Điều tốt là con đã ở nhà nhưng con cần mẹ trở về với con. Con muốn cùng ăn tối với mẹ và con vẫn cầu nguyện cho mẹ. Con chưa bao giờ từ bỏ hy vọng", cô đã viết, ba ngày trước khi mẹ cô qua đời.

"Tập trung học con nhé", bà Aya trả lời.

"Con vẫn tập trung nhưng mà con muốn mẹ về".

"Mẹ sẽ về sớm thôi".

"Con yêu mẹ bằng cả trái tim".

"Mẹ yêu con"

Đó là những lời cuối cùng của cô Aya viết cho con gái mình.

Theo ione