Ly kỳ chuyện nữ sinh viên hạ bệ Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo
Cập nhật lúc 17:28, Chủ nhật, 21/02/2021 (GMT+7)
Khi nữ sinh viên Momoko Nojo phát động một chiến dịch trên mạng nhằm chống lại Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 và tuyên bố kỳ thị giới tính mà ông này đưa ra, cô không chắc mọi việc sẽ đi xa.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo Mori đã phải từ chức. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, theo CNN, chưa đầy hai tuần sau, chiến dịch #DontBeSilent (Đừng im lặng) của cô gái 22 tuổi cùng với nhiều nhà hoạt động khác đã thu hút hơn 150.000 chữ ký, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu chống lại Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 Yoshiro Mori.
Tuần trước, ông này đã từ chức và bà Seiko Hashimoto, một phụ nữ từng thi đấu trong 7 kỳ thế vận hội lên nắm quyền thay thế.
Từ khóa #DontBeSilent là nhằm đáp lại nhận xét của ông Mori rằng phụ nữ nói quá nhiều. Nojo đã dùng từ khóa này trên Twitter và nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác để thu thập ủng hộ cho một kiến nghị kêu gọi hành động chống ông Mori.
"Hiếm có kiến nghị nào trước đây thu được 150.000 chữ ký ủng hộ. Tôi nghĩ nó thật tuyệt. Mọi người cũng coi đây là vấn đề cá nhân, không chỉ là vấn đề riêng của ông Mori", Nojo mỉm cười và nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua ứng dụng Zoom.
Hành động của Nojo là ví dụ mới nhất về việc phụ nữ bên ngoài chính trường ở Nhật dùng bàn phím để mang lại thay đổi về xã hội. "Việc đó giúp tôi nhận thấy đó là một cơ hội tốt để thúc đẩy bình đẳng giới ở Nhật", Nojo, sinh viên năm thứ 4 ngành kinh tế ở Đại học Keio, Tokyo nói.
Nojo cho biết, hành động của cô bắt nguồn từ những câu hỏi mà các bạn nam thường nói như: "Bạn là con gái, vì thế bạn phải tới một trường trung học có đồng phục đẹp có phải không" hoặc "Cho dù không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm bà nội trợ phải không?".
Nojo bắt đầu chiến dịch "Không tuổi trẻ, Không Nhật Bản" vào năm 2019, trong thời gian ở Đan Mạch, nơi cô chứng kiến quốc gia này đã chọn bà Mette Frederiksen, một phụ nữ trong độ tuổi 40, làm Thủ tướng như thế nào.
Nữ sinh viên này kể, trong thời gian ở Đan Mạch, cô nhận thấy chính trường Nhật Bản bị những người đàn ông lớn tuổi thống trị như thế nào.
Keiko Ikeda, một giáo sư về giáo dục ở Đại học Hokkaido cho biết, điều quan trọng là giới trẻ phải nêu lên tiếng nói của họ ở Nhật, nơi quyền quyết định thường do một nhóm những người cùng chí hướng đưa ra. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ đến từ từ, một cách khó khăn.
Mới đây, Nojo cho rằng một đề xuất của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do, vốn cho phép có nhiều phụ nữ hơn tham gia các cuộc họp nhưng chỉ với tư cách các nhà quan sát im lặng, là một chiêu PR tồi. Theo cô, đảng này cần có nhiều phụ nữ ở các vị trí chủ chốt hơn là cho họ làm các nhà quan sát.
Trên thực tế, chiến thắng của Nojo chỉ là một bước nhỏ trong một cuộc chiến dài.
Nhật hiện xếp hạng 121 trong tổng số 153 quốc gia trên Bảng xếp hạng khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020. Xếp hạng này của Nhật là tệ nhất trong số các quốc gia phát triển.
Theo vietnamnet