Người di cư bên trong trung tâm giam giữ Shara al-Zawiya - Ảnh: Reuters
Khi được lực lượng an ninh Libya giải cứu vào đầu năm nay, cô gái trẻ Somalia 17 tuổi nghĩ rằng từ đây mình sẽ chấm dứt sự đau khổ phải chịu đựng trong suốt hai năm trước đó, khi bị giam cầm và lạm dụng tình dục bởi những kẻ buôn người chuyên tống tiền, tra tấn và hành hung những người di dân đang tìm cách đến châu Âu như cô.
Nhưng sự việc đã không như cô mong đợi. Cô gái cho biết liên tục bị lính canh tại một trung tâm do chính phủ điều hành ở Tripoli (thủ đô của Libya) - nơi những di dân như cô đang bị giam giữ - tấn công tình dục.
Hiện, cô và bốn cô gái trẻ người Somalia ở tuổi vị thành niên khác - những người cũng bị lạm dụng tình dục tương tự - đang cầu xin được thả ra khỏi trung tâm giam giữ Shara al-Zawiya. Đây là một trong nhiều trung tâm do Bộ Chống nhập cư bất hợp pháp của Libya (DCIM) lập ra, được Liên minh châu Âu hỗ trợ trong chiến dịch xây dựng Libya thành một “bức tường thành”, nhằm ngăn cản làn sóng người di dân, mà chủ yếu là người châu Phi, vượt biển Địa Trung Hải để đến châu lục này.
“Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tôi bị tấn công tình dục, nhưng tôi cảm thấy đau đớn hơn khi bị lạm dụng bởi chính những người mà lẽ ra phải bảo vệ chúng tôi. Để đi vệ sinh hay tắm rửa, gọi điện thoại cho gia đình hoặc để tránh bị đánh đập, chúng tôi phải hối lộ cho họ một thứ gì đó. Chúng tôi cảm giác như đang bị những kẻ buôn người giam giữ”, cô gái 17 tuổi chia sẻ với hãng tin AP qua điện thoại.
AP không tiết lộ danh tính của nạn nhân, và cô gái trẻ này cũng yêu cầu được giấu tên, vì sợ bị trả thù.
Từ lâu, những kẻ buôn người ở Libya - mà nhiều người trong số đó là thành viên của lực lượng dân quân - đã khét tiếng về việc đối xử tàn bạo với người di cư. Thế nhưng, theo các nhóm nhân quyền và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, tình trạng lạm dụng tình dục cũng diễn ra phổ biến trong các cơ sở giam giữ người di cư chính thức do DCIM điều hành.
“Bạo lực và khai thác tình dục đang tràn lan ở một số trung tâm giam giữ người di cư trên khắp đất nước Lybia”, Tarik Lamloum - một nhà hoạt động vì nhân quyền người Libya, hiện đang làm việc cho Tổ chức nhân quyền Belaady - báo động.
Vincent Cochetel - một đặc phái viên phụ trách khu vực Trung Địa Trung Hải của tổ chức này - cho biết thêm, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận hàng trăm trường hợp phụ nữ bị hãm hiếp khi ở các cơ sở giam giữ của DCIM, thậm chí một số còn bị lính canh làm cho có thai và sinh con trong thời gian bị giam giữ.
Tại Shara al-Zawiya - một cơ sở mà người di cư thường chỉ bị giữ lại trong một thời gian ngắn để chờ xử lý - đa số người bị bắt giữ là trẻ vị thành niên. Các tổ chức nhân quyền cho biết đã tìm cách trả tự do cho nhóm người này trong nhiều tuần qua.
Theo Libyan Crimes Watch - một tổ chức nhân quyền địa phương, ít nhất hai trong số các cô gái bị giam giữ tại các cơ sở của DCIM đã tìm cách tự tử vào cuối tháng 5, sau khi bị những người lính canh ở các cơ sở này đánh đập và cưỡng hiếp. Một trong hai cô gái này, 15 tuổi, đã được đưa đến bệnh viện vào ngày 28/5 và được Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) điều trị, nhưng sau đó đã bị trả về lại trung tâm giam giữ.
“Các nhóm MSF đã vận động để giải phóng tự do cho những cô gái này từ nhiều tổ chức ủng hộ việc bảo vệ người di dân khác nhau, nhưng những nỗ lực này đã không thành công”, Maya Abu Ata - người phát ngôn của MSF tại Libya - giải thích.
Người di cư trên những con thuyền thô sơ vượt Địa Trung Hải mong đến được châu Âu - Ảnh: AP
Tình trạng trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục trong các cơ sở giam giữ người di cư ở Lybia cũng làm dấy lên câu hỏi về vai trò của EU trong việc ngăn chặn nạn bạo lực nhắm vào đối tượng tị nạn này. EU hiện đang huấn luyện, trang bị và hỗ trợ cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya nhằm ngăn chặn những người tìm cách vượt qua Trung Địa Trung Hải để đến châu Âu.
Theo các số liệu ghi nhận được, ít nhất 677 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình này khi đi trên những chiếc thuyền thô sơ.
Tính từ đầu năm nay đến ngày 12/6, gần 13.000 người đã bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya bắt giữ và đưa về bờ biển Libya. Đa số họ bị giam giữ tại các trung tâm do DCIM điều hành - nơi mà theo ghi nhận của các nhóm nhân quyền là luôn trong tình trạng thiếu vệ sinh, điều kiện chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nước uống, cũng như thường xuyên xảy ra các vụ lính canh đánh đập và tra tấn những người di cư.
Theo phunuonline