Mạng xã hội đầu tiên cho Gen Z Việt: Đề cao an toàn và điều không hoàn hảo - Ảnh 1.

Denise Sandquist, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Skapa - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Cảm hứng từ mong muốn kết nối mọi người

Denise Sandquist, 32 tuổi, đồng sáng lập và CEO của công ty khởi nghiệp Skapa là một người con gốc Việt, sinh ra tại Hà Nội đầu thập niên 1990. Cô được một gia đình Thụy Điển nhận nuôi và chuyển đến sống tại đây từ khi còn là trẻ sơ sinh.

Trong suốt tuổi trẻ của mình, Sandquist đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng cô luôn chọn Việt Nam là điểm đến sau mỗi 2-3 năm để tìm kiếm cha mẹ ruột. Ý tưởng có thể làm gì đó cho Việt Nam của cô nhen nhóm từ đây.

Tháng 12-2016, Sandquist quyết định đăng tin tìm người mẹ Việt Nam của mình trên Facebook, và may mắn thay, chỉ sau 18 ngày, mẹ ruột đã liên hệ được với cô, và đối với Sandquist, được dành thời gian cùng mẹ là điều vô cùng ý nghĩa.

“Tôi đã luôn muốn làm gì đó để có thể đóng góp cho Việt Nam”, cô Sandquist trả lời Tuổi Trẻ Online.

“Tôi luôn nghĩ đến việc phát triển một sản phẩm tạo ảnh hưởng tốt. Tôi có ý tưởng về việc các dữ liệu cá nhân như việc bạn là ai, bạn muốn gì, bạn thích điều gì,... có thể sẽ giúp kết nối những con người phù hợp lại với nhau mà không nhất thiết phải là hẹn hò. Đó cũng là ý tưởng đằng sau Skapa”, Sandquist nói thêm.

Skapa cho ra mắt ứng dụng hẹn hò tập trung vào nữ giới Fika vào năm 2020 và mạng xã hội độc đáo Leka vào năm 2023.

Leka - mạng xã hội dành riêng cho Gen Z

Chứng kiến xu hướng Gen Z rời bỏ các mạng xã hội truyền thống, Sandquist và một đồng sáng lập viên khác của Skapa, kiêm giám đốc công nghệ Oscar Xing Lu đã tạo ra Leka tích hợp nhiều tính năng hữu ích từ các mạng xã hội đi trước. Nhưng Leka tập trung hơn vào sự riêng tư và an toàn của người trẻ khi chia sẻ trên không gian mạng.

Để tham gia Leka, người dùng cần có một mã giới thiệu để tham gia vào một “squad” (biệt đội hay cộng đồng) trên mạng xã hội này. “Squad” có thể là một “biệt đội” tập hợp nhiều người dùng có chung một mối quan tâm, chung một sở thích... Như việc các thành viên trong cùng một lớp học có thể thành lập một squad.

Mỗi người dùng có thể gia nhập nhiều cộng đồng và sẽ không có người lạ nào có thể tham gia vào cộng đồng nếu không có mã giới thiệu.

“Cuộc sống của mỗi người đều đa diện. Không phải lúc nào chúng ta cũng muốn phơi bày tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người”, Sandquist nói về sự riêng tư của các cộng đồng trong Leka.

Điều khiến Leka đặc biệt là mạng xã hội này chỉ cho phép người dùng đăng hình ảnh được chụp trực tiếp bằng tính năng chụp ảnh của ứng dụng, mà không qua các chỉnh sửa từ các ứng dụng khác.

“Chúng tôi không muốn trở nên như các mạng xã hội khác, khi người dùng chỉ chăm chăm vào đăng tải các bức hình hoàn hảo. Mong muốn hoàn hảo tạo ra rất nhiều áp lực, chúng tôi chỉ muốn mọi người hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống”, Sandquist nói thêm.

Mạng xã hội đầu tiên cho Gen Z Việt: Đề cao an toàn và điều không hoàn hảo - Ảnh 2.

Đội ngũ tại Skapa với các thành viên đa số là Gen Z - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Tiềm năng khởi nghiệp mạng xã hội tại Việt Nam

Leka vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và đã được sinh viên các trường đại học tại TP.HCM như Fullbright, RMIT, và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM... chào đón. Ứng dụng này sẽ chính thức được ra mắt vào tháng 5, với kỳ vọng sẽ trở thành mạng xã hội phổ biến nhất dành cho giới trẻ tại Việt Nam chỉ sau TikTok.

Theo Sandquist, thị trường khởi nghiệp dành cho mạng xã hội ở Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng, khi dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người. Người Việt lại có xu hướng rất hướng ngoại và thân thuộc với công nghệ.

Ngoài ra, ngoài các mạng xã hội lớn từ nước ngoài, Việt Nam cũng chưa có mạng xã hội nội địa nào gây được tiếng vang lớn.

Bên cạnh đó, tương lai của thương mại qua mạng xã hội cũng đang rất có tiềm năng, điển hình như việc TikTok Shop chỉ mới ra mắt năm ngoái nhưng đã thu hút được rất nhiều lượt giao dịch.

“Tôi nghĩ tương lai của thương mại điện tử sẽ là thương mại qua mạng xã hội, và Việt Nam là thị trường có nhiều lợi thế để phát triển những nền tảng tương tự như vậy”, Sandquist nhận xét.

Mạng xã hội đầu tiên cho Gen Z Việt: Đề cao an toàn và điều không hoàn hảo - Ảnh 3.

Leka tại một buổi giới thiệu ở Đại học Fulbright - Ảnh: SAPA

Vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu

Talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" nằm trong sự kiện Tuổi Trẻ Start-Up Award năm nay dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4, có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?", với sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.

Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá đến công chúng. BTC sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện, Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up qua ba mùa đã quy tụ gần 600 golfer. Năm nay, giải đấu thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21-4 tại sân golf Thủ Đức (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Tối cùng ngày sẽ diễn ra gala trao giải cho golfer xuất sắc và chương trình giao lưu, kết nối cùng các start-up tiêu biểu.

 

Theo Tuổi trẻ