Một mình vắc xin không thể chấm dứt đại dịch
Cập nhật lúc 15:24, Thứ năm, 07/10/2021 (GMT+7)
Đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở đau đớn rằng đối mặt với thách thức của bệnh truyền nhiễm đòi hỏi cả khoa học và sự thích ứng của xã hội. Việc phát triển nhiều loại vắc xin an toàn và hiệu quả cao chống lại COVID-19 trong vòng chưa đầy một năm là một thành tựu kỳ diệu. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa sự chần chừ về vắc xin trong nước và sự bất bình đẳng về vắc xin ở nước ngoài, đã khiến đại dịch bùng phát trở lại và kéo dài, không có hồi kết.
|
|
Bác sĩ Anh Edward Jenner (1749-1823) thực hiện tiêm vắc xin lần đầu tiên cho James Phipps, một cậu bé 8 tuổi, vào ngày 14/5/1796 - Tranh của E. Board tại Bảo tàng Welcome, London |
Năm 1806 Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đã viết một lá thư cho bác sĩ (BS) người Anh Edward Jenner. Mười năm trước, BS Jenner đã cố tình lây nhiễm Cow Pox, bệnh đậu mùa ở động vật, cho một cậu bé nhằm bảo vệ cậu chống lại căn bệnh đậu mùa đáng sợ hơn nhiều. Việc làm có hiệu quả, BS Jenner đã thu thập thêm bằng chứng, và 2 năm sau, ông xuất bản tài liệu Điều tra về vắc xin Variolae từ bệnh Cow Pox.
Tin tức lan nhanh khắp Đại Tây Dương, và Tổng thống Jefferson là một trong những người Mỹ đầu tiên nhận ra tiềm năng mang tính cách mạng của tiêm chủng. Ông hết lời ca ngợi BS Jenner đã tìm ra vũ khí để đối phó với căn bệnh đáng sợ đã làm thiệt mạng nhiều người nhất trên thế giới thời đó, và nói rằng "các quốc gia tương lai sẽ chỉ biết qua lịch sử rằng căn bệnh đậu mùa đáng ghét đã từng tồn tại và đã bị tiêu diệt”.
Tổng thống Jefferson có tầm nhìn xa, nhưng ông đã quá lạc quan. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa giảm nhanh chóng khi việc tiêm chủng mở rộng, nhưng sự tiến triển bị đình trệ và đôi khi đảo ngược vào cuối thế kỷ 19. Ngay cả vào đầu thế kỷ 20, vẫn có hàng ngàn trường hợp mắc bệnh đậu mùa mỗi năm, và phải đến cuối những năm 1920, căn bệnh này mới được xóa sổ hoàn toàn ở Mỹ.
Trên toàn cầu, tiến độ thậm chí còn trì trệ hơn. Một cuộc “thập tự chinh y tế toàn cầu” trong những thập niên 1960 và 1970 cuối cùng đã hiện thực hóa tầm nhìn của cố Tổng thống Jefferson về việc biến căn bệnh trở thành dĩ vãng. Ca nhiễm bệnh đậu mùa tự nhiên cuối cùng xảy ra vào năm 1977, 171 năm sau khi Jefferson gửi thư cho BS Jenner tưởng tượng ra một thế giới không có dịch đậu mùa.
Ví dụ về cuộc chiến loại trừ bệnh đậu mùa là một trong nhiều ví dụ nhắc nhở chúng ta rằng việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm đòi hỏi sự thích ứng cả về kỹ thuật và xã hội. Khám phá của BS Jenner về tiêm chủng được xếp hạng là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhưng chỉ riêng các giải pháp kỹ thuật thì không bao giờ là đủ.
Tại Mỹ, việc phổ biến tiêm chủng đòi hỏi một chiến dịch truyền thông hiệu quả, văn hóa chấp nhận vắc xin và trên hết là những thay đổi về bản chất và quyền lực của cơ quan chuyên môn. Cụ thể, sự gia tăng của các hội đồng y tế công cộng và khả năng ban hành lệnh tiêm chủng bắt buộc của họ là cần thiết để đưa căn bệnh hoàn toàn chấm dứt trong nước.
Trước COVID-19, Mỹ được xếp hạng cao về khả năng sẵn sàng chống dịch. Tuy nhiên, ứng phó cụ thể với đại dịch thể hiện một sự bối rối và một thảm kịch – “khoa học của chúng ta đã sẵn sàng, nhưng xã hội của chúng ta thì chưa”.
Điều đáng quan tâm là nước Mỹ không tiếp thu được bài học. Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Biden đã công bố bản dự báo đại dịch trong tương lai mang một tầm nhìn táo bạo đáng ngưỡng mộ. Chính quyền đề xuất khoản đầu tư 65 tỷ đô la trong 10 năm sẽ được quản lý "với sự nghiêm túc của mục đích, cam kết và trách nhiệm giải trình của Chương trình Apollo”.
Kế hoạch được thúc đẩy bởi một thực tế tỉnh táo rằng con người không thể tránh khỏi một đại dịch tiếp theo. Theo bản kế hoạch, "sẽ có tần suất ngày càng tăng các mối đe dọa sinh học tự nhiên - và có thể do con người tạo ra - trong những năm tới” và lưu ý, đại dịch tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn. COVID-19 là một căn bệnh nghiêm trọng và gây chết người, nhưng có nhiều khả năng tạo ra một mầm bệnh mới có khả năng lây lan tương đương, nhưng độc lực mạnh hơn.
Chiến lược do Tổng thống Joe Biden đề xuất được nhiều người quan tâm. Nó hứa hẹn sẽ đầu tư lớn vào các lĩnh vực quan trọng chưa được làm đủ, từ hệ thống giám sát và cảnh báo sớm đến theo dõi thời gian thực về sự tiến hóa của virus. Nó vạch ra một con đường hướng tới việc triển khai và phát triển vắc xin nhanh chóng hơn nữa, cũng như những cải tiến cơ bản trong việc điều trị các bệnh do virus gây ra. Nó đề xuất những cải tiến cơ bản về cơ sở hạ tầng y tế công cộng trong nước và toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề là gần như tất cả các chương trình nghị sự đều tập trung vào “các giải pháp kỹ thuật”. Chỉ có những gợi ý khiêm tốn để hiểu cách xã hội ứng phó với thách thức của đại dịch và cách chúng ta có thể làm để khiến bản thân trở nên kiên cường hơn. Tầm nhìn của Chương trình Apollo (chương trình chinh phục Mặt Trăng cuối thập niên 1960 của Mỹ) rất đồ sộ và đáng ngưỡng mộ, nhưng chuẩn bị cho đại dịch là một dự án hoàn toàn khác so với việc lên mặt trăng, bởi vì sự thành công phụ thuộc vào hành vi của hơn 300 triệu người Mỹ và 8 tỷ người trên toàn cầu.
Một thực tế đáng thất vọng là trải nghiệm về COVID-19 đã khiến xã hội Mỹ ít sẵn sàng hơn cho những thách thức trong tương lai. Phản ứng của người dân đối với khẩu trang, vắc xin và các biện pháp phòng chống dịch rất vội vã và cực đoan, đã làm nên một trở ngại nghiêm trọng đối với việc chuẩn bị.
Đối mặt với thực tế đó càng sớm, người dân càng được chuẩn bị tốt hơn. Truyền thông sức khỏe cộng đồng dựa trên bằng chứng là một bước khởi đầu, nhưng chưa thể đầy đủ. Một kế hoạch hoàn chỉnh cần thiết lập một chương trình nghiên cứu và phát triển dựa trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; nó nên đưa ra khuôn khổ, nguồn lực và động lực để thúc đẩy kiến thức của chúng ta về các yếu tố quyết định thành công các sáng kiến y tế công cộng.
Theo phunuonline