Cho đến tuần trước, Shabeer Ahmadi vẫn bận rộn đưa tin ở Afghanistan, theo AP.

Nhưng sau khi dán mắt vào màn hình điện thoại để theo dõi từng diễn biến trong tuần cuối của cuộc di tản người Afghanistan khỏi Kabul, nhà báo 29 tuổi này quyết định rời khỏi đất nước, dù tương lai có bất định đến đâu.

Giờ đây, Shabeer Ahmadi cùng 9 người thân đã lên được một trong những chiếc máy bay sơ tán và đang trải qua quá trình xin tị nạn, trước khi được bắt đầu cuộc sống mới ở một thành phố phía tây bắc Tây Ban Nha.

                                         Shabeer Ahmadi, nhà báo 29 tuổi người Afghanistan, đã được sơ tán đến Tây Ban Nha ngày 26/8. Ảnh: AP.


Tuy nhiên, không may mắn như anh, hàng nghìn người Afghanistan khác đã không thể di tản, bao gồm cả thành viên trong gia đình Shabeer Ahmadi. Điều này khiến anh rất lo lắng và sợ hãi.

"Bầu không khí tuyệt vọng bao trùm Afghanistan. Hãy tưởng tượng nếu bạn xây dựng một tòa nhà được 20 năm rồi, giờ đây tòa nhà đó đang bị phá hủy và bạn không thể thoát khỏi nó. Cảm giác rất tệ. Nền giáo dục của chúng tôi, hy vọng cho chính bản thân chúng tôi, cho con cái, cho tương lai, và cho đất nước của chúng tôi đều bị hủy hoại", Ahmadi nói.

Tương lai ảm đạm cho Afghanistan


Kênh tin tức Tolo News, nơi Ahmadi làm phó ban tin tức, đã trở thành mục tiêu của Taliban. Nhưng không chỉ một mình anh cảm thấy bị đe dọa.

Mẹ của Ahmadi là một luật sư. Cha anh là cựu nhà báo. Và anh trai của Ahmadi là kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thủy điện, một cơ sở hạ tầng quan trọng cho hoạt động của Afghanistan.

Đầu tháng này, khi cuộc bao vây của Taliban ở Kabul khép lại, gia đình Ahmadi bắt đầu nộp đơn xin thị thực khẩn cấp đến một số quốc gia. Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên phản hồi yêu cầu này, nhờ có sự giúp đỡ của một nhà báo Tây Ban Nha mà Ahmadi đã kết bạn ở Kabul.

Ahmad và những người thân của anh phải trải qua một ngày đầy thử thách giữa đám đông chen chúc bên ngoài sân bay Kabul. Một vài người trong số họ không có hộ chiếu.

Trong khi đó, một người thân khác trong gia đình anh ở bên trong sân bay, ngủ giữa hàng trăng người chờ được sơ tán.

                                    Hơn 600 người Afghanistan chen chúc trên một chiếc C-17 của Không quân Mỹ vào ngày 15/8. Ảnh: Defense One.


“Khi tôi lên máy bay, tôi nghĩ rằng tạ ơn Thượng đế, cuối cùng tôi đã được an toàn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với những người ở lại Afghanistan?", Ahmadi nói khi phát biểu hôm 26/8 trong hội nghị trực tuyến từ Huesca thuộc Tây Ban Nha, nơi anh và gia đình đang sinh sống. Họ được chuyển đến đây một ngày sau khi hạ cánh xuống Madrid.

“Có những người gọi cho tôi nói rằng họ không có lương, dù là từ chính phủ hay lực lượng Taliban. Ngân hàng đóng cửa và họ không thể chi trả cho gia đình họ đi sơ tán", nhà báo 29 tuổi này nói.

Ahmadi cho biết trong khi quân đội nước ngoài đang dần rút khỏi sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, nhiều người quen của anh đang tìm cách khác để rời khỏi Afghanistan qua Iran và Pakistan, thay vì chờ được quân đội sơ tán.

Nhà báo này cho rằng tương lai của Afghanistan thật ảm đạm. Anh cho rằng lỗi thuộc về chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã thúc đẩy quyết định rút quân.

"Do không thể đàm phán được một thỏa thuận tốt với Taliban, Mỹ đã giao chúng tôi cho Taliban, một nhóm có liên kết với rất nhiều tổ chức khủng bố trên thế giới. Họ đã từ bỏ thế hệ trẻ của Afghanistan rồi", Ahmadi nói.

"Chúng tôi phải cống hiến cho đất nước"


Anh lo ngại "một cuộc chiến đẫm máu" sẽ nổ ra giữa Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) trong thời gian tới. Cuộc chiến sẽ có sự tham gia của những chiến binh cực đoan đến từ các nước khác, khiến hàng triệu sinh mạng vô tội bị kẹt trong cuộc xung đột.

Đó là lý do tại sao khi rời Afghanistan, Ahmadi cảm thấy "đau đớn trong từng khoảnh khắc".

Tuy nhiên, nhà báo này nhận thức được rằng anh sẽ không thể đóng góp gì cho đất nước mình nếu mạng sống của bản thân anh bị đe dọa.

Nhưng nếu tình hình tạm lắng xuống ở một mức độ nào đó, và chính phủ mới được thành lập, đảm bảo các điều kiện nhất định, thì ngay cả khi Taliban vẫn nắm quyền kiểm soát, anh sẽ cân nhắc trở về quê hương.

                           Người dân Afghanistan trèo lên máy bay tại sân bay quốc tế Kabul, sau khi Taliban bao vây thành phố này. Ảnh: AFP.


“Tôi luôn nói với bạn bè của mình rằng bất kỳ nước lớn nào cũng lớn mạnh nhờ những người cống hiến cho quốc gia đó, vì vậy chúng tôi không thể rời bỏ quê hương của mình mãi được", anh nói thêm.

“Chúng tôi là một thế hệ chưa từng sống qua một ngày bình yên, không chiến tranh ở Afghanistan. Nhưng nếu muốn thế hệ tương lai của chúng tôi được sống một ngày bình yên như thế, chúng tôi sẽ phải cống hiến cho đất nước của mình", Ahmadi nói.

Tính đến ngày 27/8, trong khi Mỹ và Anh đang gấp rút sơ tán công dân và người Afghanistan rời khỏi Kabul trước thời hạn 31/8, một số nước đã kết thúc chiến dịch này, bao gồm Australia, New Zealand, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức và Italy.

Theo Zing