1. Khi biết ba nhiễm bệnh, Nhân điện thoại cho tôi thông báo và nhờ hỗ trợ. Cũng như nhiều F0 khác đang điều trị tại nhà, người bệnh cần được ăn uống, ngủ nghỉ và uống thuốc để theo dõi tiến trình như thế nào. Trước đó, ba Nhân xin ở lại bệnh viện nhưng vì chưa có kết quả PCR nên chưa được tiếp nhận. Ở nhà 2 ngày, người cha 70 tuổi có bệnh nền của Nhân càng ngày càng mệt. Ông được đưa vào bệnh viện gần nhà và rất may rằng được tiếp nhận liền.
Khi Nhân đưa ba vào bệnh viện, người ta cũng không cho phép Nhân chăm sóc vì cô chưa phải là F0. Cô đứng ở ngoài cổng bệnh viện, nghe ba điện thoại ra, nói rằng: "Con gái cứ về đi, ba hứa ba sẽ quay trở về. Thôi đừng khóc nữa. Về nhà đi con!".
"Em đau quá chị ơi. Không chăm sóc được ba mình khi ông cần nhất. Nhưng em còn 2 đứa con nhỏ, lỡ em có thế nào thì các cháu phải sống ra sao. Em hèn quá!", Nhân khóc nức nở qua điện thoại khi cô vẫn đang đứng ở ngoài cổng bệnh viện. Cô nhìn thấy rất nhiều người bệnh khác đang ngồi thở khó nhọc ở ngoài cổng bệnh viện. Và cô còn nhìn thấy những người nhà đang khóc lóc tiếc thương cho người đã mất. Nhân cứ đứng ở đó, dằn vặt và giằng xé trước nỗi đau vì không dám tới gần chăm sóc ba, và nỗi sợ bị lây nhiễm bệnh hiển hiện trước mắt.
Tôi an ủi Nhân, thôi ba đã vào bên trong bệnh viện được điều trị rồi, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Giờ về nhà đi để khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, và cũng sắp tới thời gian không được chạy xe ngoài đường sau 18h nữa rồi. Nhân chạy xe về trong tràn ngập nước mắt. Sáng ngày hôm sau, tôi nhận được tin ba Nhân đã mất.
2. Một người quen của tôi đang nằm điều trị trong bệnh viện dã chiến, nhắn tin nhờ có cách nào để biết tin hũ tro cốt của mẹ anh hiện như thế nào tại nơi hỏa táng được hay không? Cả nhà mấy người đều bị nhiễm Covid hết, mẹ anh lớn tuổi, bà mất và được đưa đi hỏa táng đã được 3 ngày. Nhưng cả nhà thì nằm điều trị mỗi người mỗi nơi. Gọi điện hỏi những người liên quan chưa được, anh đành phải nhờ bạn bè...
Câu chuyện khác, cậu bé 5 tuổi mới đây đã được các nhân viên y tế đưa về Biên Hòa nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng, vì chỉ trong thời gian ngắn, bé đã mất đi ông bà nội và cha mẹ do dịch bệnh. Những ngày này sang năm, và nhiều năm về sau nữa, đi theo suốt cuộc đời cậu bé. Mùa lễ Vu Lan để nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ gắn liền với nỗi đau không có gì diễn đạt nổi. Mùa Vu Lan năm nay của Sài Gòn đã ghi dấu ấn mồ côi của nhiều người con. Không riêng gì cậu bé đáng thương kia...
3. Thông thường mỗi năm, vào mùa Vu Lan, các ngôi chùa ở khắp Sài Gòn đều có nhiều hoạt động để người dân đưa cha mẹ tới tham dự. Các nhà hàng đều có các chương trình để con cái báo hiếu đấng sinh thành. Nhưng năm nay, bệnh dịch Covid-19 tàn phá Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, khiến nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhiều gia đình con mất cha mẹ, cha mẹ mất con cái vĩnh viễn. Không chỉ là cái chết, mà sự sợ hãi đó chính là cách thất lạc nhau về tin tức trong đại dịch. Không ai biết người thân của mình thế nào. Những giờ phút cuối cùng lâm chung cũng chỉ ra đi một mình. Và đó là nỗi day dứt, đau đớn sẽ giằng xé những đứa con còn sống.
Có ai đó nhắn tin hoặc điện thoại hỏi thăm: Ổn không?, thực lòng không biết trả lời thế nào để cân bằng được cảm xúc trong những ngày này. Hẳn rất nhiều người như tôi, nửa đêm về sáng vẫn còn ôm máy điện thoại để theo dõi câu chuyện nào đó, hoặc để giúp đỡ một ai đó. Và không chỉ lo lắng cho cha mẹ nhiễm bệnh trong mùa dịch, những người con còn canh cánh nỗi lo cha mẹ già đổ bệnh thông thường mà ra đi trong thời gian này. "Ông bà nhất định phải giữ sức khỏe, nhất định... không được chết, vì tụi con sẽ không về được đâu", là các câu chúng tôi vẫn đùa với cha mẹ khi cả nhà tụ họp online. Thực sự câu đùa cũng chính là ý thật. Giờ mà cha mẹ có bề gì, thì làm sao để vuông tròn chữ hiếu nổi đây!
Giữa mùa Vu Lan quá đặc biệt của Sài Gòn, tất cả người dân sống tại mảnh đất phía Nam này đều ngóng chờ ngày dịch bệnh chấm dứt nhanh nhất. Và xin cầu mong những bông hồng đỏ được cài trên ngực áo của nhiều người vào lễ Vu Lan năm sau, năm sau nữa.
Con người trong những lúc khốn cùng, đều cần phải có niềm tin để thêm sức mạnh vượt qua...
Đinh Thu Hiền